dư luận và giới truyền thông gọi Sangrampur ở quận 24 Parganas, bang Tây Bengal của Ấn Độ là “làng góa phụ” từ tuần trước, BBC đưa tin. Chỉ trong vòng vài ngày, một cộng đồng gồm những người có quan hệ họ hàng trong làng Sangrampur cùng một số làng nhỏ hơn xung quanh đã hứng chịu tổn thất to lớn về nhân mạng bởi vụ ngộ độc rượu tập thể.
170 người, phần lớn là nam giới, đã chết. Đa số nạn nhân thiệt mạng là trụ cột trong những gia đình đang vật lộn với cuộc sống nghèo khó.
“Bây giờ tôi cảm thấy dường như mọi con đường đều dẫn tới nghĩa trang”, Abdul Mannan Gayen, một người đàn ông trong làng, nói. Gayen có ba con trai, trong đó hai người đã chết vì ngộ độc rượu, còn người thứ ba đang đấu tranh với thần chết trong bệnh viện cùng hơn 100 người cùng làng vì lý do tương tự.
Hooch, tên của loại rượu lậu do người dân tự nấu, là đồ uống phổ biến của những người đàn ông nghèo làm những công việc như đạp xích lô, xây dựng, bốc vác. Do thu nhập thấp nên họ không thể mua những loại rượu có nhãn hiệu.
Vào tối 13/12, những người đàn ông trong làng Sangrampur uống hooch giống như nhiều tối khác. Sáng hôm sau, các bệnh viện gần đó tiếp nhận rất nhiều người ngộ độc rượu. Hơn 50 người chết ngay trong sáng 14/12 và số người tử vong tăng lên 100, rồi 150 và lớn hơn nữa. Những nạn nhân - quằn quại vì tình trạng chuột rút, nôn mửa và tiêu chảy trong những giờ cuối đời – để lại một tương lai u ám cho vợ và những đứa con của họ.
“Đời chúng tôi thế là tiêu. Chúng tôi chẳng còn gì ngoài ngôi nhà và tôi chẳng biết phải giữ nó bằng cách nào”, Roserana Naskar, một phụ nữ có 4 con, nói. Chồng của Naskar chết sau khi uống rượu tại tiệc sinh nhật con của một người họ hàng.
Jhunu Bibi, một phụ nữ 30 tuổi và cũng có 4 con, sụp xuống khi nghĩ tới tương lai sau khi xác của chồng cô được khiêng về nhà từ bệnh viện vào tối 16/12.
“Tôi chẳng biết phải làm gì, nhưng tôi vẫn phải cố gắng vì những đứa con. Làm thế nào tôi có thể kiếm thức ăn cho chúng trong thời gian tới?”, Bibi kể lể.
Anwara Bibi, 23 tuổi, vừa cưới chồng vài tháng nhưng đã trở thành góa phụ cách đây mấy ngày vì rượu độc. Góa phụ trẻ nói cô chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở về nhà cha ruột sau khi chồng qua đời.
“Cuộc đời tôi đã bị hủy hoại”, cô nói.
Tại bệnh viện thành phố Diamond Harbour, cơ sở y tế lớn nhất trong quận, các tử thi được đặt ngoài trời hôm 17/12 do nhà xác nhỏ của bệnh viện không thể chứa hết những người xấu số.
“Chúng tôi bất lực. Rượu mà họ uống quá độc và chúng tôi chẳng có cách nào để cứu họ. Nhiều nạn nhân đã hấp hối khi họ tới bệnh viện. cơ thể họ không đáp ứng với thuốc”, Chiranjib Murmu, giám đốc bệnh viện Diamond Harbour, kể.
Vài ngày sau khi những nạn nhân đầu tiên bị ngộ độc, người dân vẫn tiếp tục đưa những nạn nhân khác tới bệnh viện. Trong khi đó những xe xích lô và xe ngựa chở những thi thể từ bệnh viện tới các làng.
Trong bầu không khí tang thương, sự giận dữ của người dân đối với những gia đình nấu rượu tăng vọt. Một đám đông đã đập phá ngôi nhà của một người đàn ông vào tối 16/12 do nghi ngờ người này điều hành hàng loạt cơ sở nấu rượu bất hợp pháp.
Những kẻ nấu rượu lậu thường cho thêm methanol, một chất cồn rất độc và được dùng làm chất chống đông hoặc nhiên liệu, vào rượu để làm tăng nồng độ cồn. Đây là cách tăng nồng độ cồn rẻ và nhanh. Nhưng nếu nồng độ methanol trong rượu quá cao, nó có thể gây mù và tử vong.
Các nhà hoạt động xã hội cáo buộc một bộ phận quan chức và cảnh sát địa phương nhận tiền hối lộ của những kẻ chưng cất rượu bất hợp pháp nên họ tiếp tay cho hoạt động kinh doanh của chúng.
“Giới chức thường truy bắt những đối tượng sản xuất rượu lậu, song thực ra chúng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ đường dây tội phạm. Để đưa rượu chất lượng thấp tới người dân, những kẻ sản xuất và phân phối phải hợp tác với quan chức và cảnh sát tha hóa”, tờ Hindustan Times bình luận.