Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, cả nước hiện có gần 6.000 bệnh nhân đang điều trị tại 106 cơ sở y tế. Trong số này có 3.283 có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 107 ca tiên lượng nặng, 138 ca nặng phải thở oxy, 39 ca nặng phải thở máy không xâm nhập, 26 ca nguy kịch phải thở máy xâm nhập và 12 ca nguy kịch phải đặt ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo). Theo đánh giá của Tiểu ban Điều trị, hiện có 5 bệnh nhân tiên lượng tử vong cao.
Ngay trong chiều nay, Tiểu ban Điều trị cùng các chuyên gia đã tiến hành hội chẩn cho 3 bệnh nhân không có bệnh lý nền, tiên lượng tử vong cao.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.T.T (64 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang) nhập viện vì ho, đau rát họng, phát hiện dương tính ngày 3-6. Dù không có tiền sử bệnh tật đặc biệt nhưng do diễn tiến bệnh nặng nên bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Phổi Bắc Giang vào ngày 6-6. Hiện hình ảnh siêu âm phổi của bệnh nhân cho thấy phổi đông đặc hai bên. bệnh nhân này tiên lượng tử vong rất cao.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng nhận định, đây là bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh. bệnh nhân cần điều trị chống đông sớm, lọc máu sớm, điều hòa giảm cơn bão cytokin.
Trường hợp bệnh nhân nặng thứ 2 được Hội đồng chuyên môn hội chẩn là bà T.T.M, 64 tuổi, hiện đang điều trị ở Trung tâm ICU (đơn vị chăm sóc tích cực) đặt tại bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Đây cũng là trường hợp không phát hiện vấn đề tiền sử bệnh tật nhưng diễn biến bệnh nặng nhanh. bệnh nhân vào viện vì ho, đau rát họng, xác định dương tính SARS-CoV-2 ngày 17-5, được chuyển tới bệnh viện Phổi Bắc Giang ngày 31-5.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân M bị suy hô hấp, viêm phổi trên nền nhiễm SARS-CoV-2 có biến chứng ARDS, rối loạn đông máu. Cũng giống như trường hợp bệnh nhân T trên đây, hình ảnh siêu âm phổi của bệnh nhân M cũng đông đặc hai bên.
Trường hợp thứ 3 được báo cáo từ Khoa Hồi sức tích cực A2, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh là bệnh nhân 3.799 (69 tuổi ở tỉnh Bắc Ninh).
bệnh nhân này được chuyển từ tuyến huyện đến bệnh viện tỉnh ngày 19-5 vì ho, sốt. Tiền sử bệnh tật không có bệnh lý mãn tính, thể trạng bình thường. bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi bội nhiễm, suy kiệt, suy hô hấp sau mắc Covid-19. Sau vào viện, bệnh nhân diễn tiến từ khó thở nhẹ lên khó thở nhiều hơn, được thở oxy qua mặt nạ rồi chuyển thở HFNC. 10 ngày sau vào viện, bác sĩ xác định bệnh nhân có tổn thương dạng nhồi máu nhu mô thận phải, quai ruột nhiều hơi, chưa xác định được nguyên nhân. Hiện bệnh nhân đang điều trị ở ngày thứ 32 và có 26 ngày điều trị ICU.
Các chuyên gia đánh giá sau 1 tháng điều trị, phổi của bệnh nhân đã tổn thương rất nhiều. Đây chính là giai đoạn khó khăn với bệnh nhân đã bị suy kiệt này. Do đó, các y, bác sĩ cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ và thay đổi trong tiếp cận điều trị bệnh nhân.
Tại buổi hội chẩn, GS.TS Nguyễn Gia Bình cho biết, biến thể của chủng vi rút mới này khiến bệnh tăng nặng nhanh hơn, nhiều hơn biến chủng trước đó. Do đó, các thầy thuốc phải theo dõi rất chặt chẽ và có sự thay đổi trong cách tiếp cận chiến lược điều trị. bệnh nhân cần làm xét nghiệm về tế bào máu, đông máu hằng ngày, liên tục. Đặc biệt, các thầy thuốc cần lưu ý nhận diện cơ chế viêm, tắc mạch, để sớm chỉ định cho bệnh nhân sử dụng chống đông, chống viêm, điều trị tắc mạch, không chờ diễn biến bệnh nhân nặng lên sẽ tốn kém và nguy cơ tử vong.