Thời gian qua, người dùng mạng xã hội (MXH) không lạ gì những chiêu trò chiếm đoạt tài khoản Facebook (TK FB) của các đối tượng xấu rồi tìm cách qua mặt bạn bè khổ chủ, lừa chuyển tiền hoặc giả danh tổng đài viên để chiêu dụ “móc tiền” của người bị hại. Dù đều là các trò lừa cũ rích, nhưng vẫn có người nhẹ cả tin… dính “bẫy”. Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TPHCM (CATP) thêm lần nữa phát đi thông báo, bóc trần chiêu trò lừa đảo thông qua hình thức sử dụng dịch vụ thuê sim trực tuyến đang diễn ra công khai, phức tạp ở nhiều địa phương.
“Diễn viên đóng thế” hoàn hảo
Khoảng 15 giờ ngày 28-3-2021, anh Đinh Ngọc H. (28 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) bất ngờ nhận được cuộc gọi video từ TK FB có tên “Q. Đen”, đây cũng là TK FB chính của chị ruột anh H. Do đang điều khiển xe trên đường, anh H. từ chối nhận cuộc gọi. Tuy vậy, TK “Q. Đen” vẫn liên tục thực hiện cuộc gọi tới TK của nam thanh niên này… Và đây cũng là nguồn cơn khiến anh H. rơi vào chiếc bẫy do kẻ xấu dày công sắp đặt.
Lo sợ người nhà đang có sự cố, anh H. dừng xe bên đường để nghe điện thoại. Tuy vậy, phía đầu dây bên kia chỉ thấy thoáng qua hình ảnh của chị ruột anh H. và không nghe thấy bất kỳ tiếng hồi đáp nào. TK “Q. Đen” cũng vội kết thúc cuộc gọi ngay. Sau đó, một dòng tin nhắn mượn tiền nhanh chóng được gửi tới cho anh H. TK FB “Q. Đen” yêu cầu anh này chuyển số tiền 10 triệu đồng vào STK 0821000189871 (Le Trung Ha, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank)).
Vì trong thời gian này gia đình anh H. đang tất bật chuẩn bị tổ chức tiệc tùng nên khổ chủ không mảy may suy nghĩ, chuyển ngay vào tài khoản được mở tại Ngân hàng Vietcombank 10 triệu đồng. Chưa dừng lại đó, tài khoản “Q. Đen” lại tiếp tục thực hiện thêm một số cuộc gọi khác tới anh H. và gửi thêm yêu cầu chuyển tiền tiếp.
Anh H. trót rơi vào chiếc bẫy do kẻ xấu giăng ra
“Hình như thời điểm này đối tượng biết tôi đang chạy xe nên đánh tâm lý. Sau khi gọi điện thoại một vài cuộc thì đối tượng chuyển sang tin nhắn, nói là tính gọi nói chuyện gia đình mà thấy tôi đang chạy xe nên thôi. Kẻ xấu tiếp tục nhắn tin yêu cầu tôi chuyển tiếp 16 triệu đồng và hứa ngày mai ra ngân hàng chuyển trả” – anh H. kể lại.
Lúc này anh H. nhận thấy có điều gì đó bất ổn đằng sau các cuộc gọi và tin nhắn bất thường nên gọi lại cho thuê bao viễn thông của chị ruột thì tá hỏa biết mình đã… “sập bẫy”. Anh H. sau đó mang câu chuyện và thủ đoạn diễn xuất tài tình của các đối tượng kể lại trên MXH để cảnh báo tới bạn bè và cộng đồng.
Độc chiêu “chứng minh thu nhập”
Bên cạnh sự việc xảy ra với nạn nhân H. , thời gian gần đây, cơ quan CSĐT CAQ Tân Phú tiếp nhận và thụ lý nhiều đơn trình báo tố giác về tội phạm vi phạm Pháp Luật có liên quan đến tội phạm sử dụng CNC. Đặc biệt trong thời điểm này, các đối tượng liên tục thay đổi và sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới.
Điển hình, khoảng 9 giờ 30 ngày 21-4-2021, anh M.C.N (24 tuổi) nhận được cuộc gọi từ thuê bao số 0936150933 giới thiệu cho vay vốn. Do có nhu cầu vay nên anh N. đã liên lạc qua tài khoản Zalo “SKYE” để vay 35 triệu đồng. Anh N. được người này giới thiệu là Công ty tài chính “SkyCredid” và hướng dẫn thủ tục để vay tiền. nạn nhân sau đó tải ứng dụng cùng tên về và phải chuyển số tiền 3,5 triệu đồng vào STK 2122989989989 (HUYNH VAN TAN, Ngân hàng Quân đội) để làm hồ sơ vay. Do tin tưởng, anh N. lần lượt chuyển 3,5 triệu đồng (2 lần), 10,5 triệu đồng và 7 triệu đồng vào TK trên.
Đường link chứa mã độc khiến khách hàng của Ngân hàng ViettinBank mất tiền
Sau khi chuyển xong, anh N. vẫn chưa nhận được tiền thì người này tiếp tục kêu nạn nhân phải chuyển tiếp 14 triệu và 6 triệu đồng với lý do kiểm định khả năng kinh tế, chứng minh thu nhập. Khi đã chuyển hết tổng số tiền là 44,5 triệu đồng mà vẫn không nhận được tiền, N. biết mình đã bị lừa nên đến cơ quan CAQ.Tân Phú trình báo sự việc.
Tiếp đến, khoảng 14 giờ 30 ngày 23-4, với cùng thủ đoạn tương tự, anh H.L.N.P (23 tuổi) cũng bị lừa tổng cộng 46 triệu đồng. Trước đó, P. nhận được cuộc gọi từ thuê bao số 0896168677 giới thiệu cho vay vốn và hướng dẫn anh kết bạn qua Zalo tên “Simple A”. Do tin tưởng, anh P. đã chuyển vào STK 3299668668668 (tên NGUYEN THI NGOC NHAN, Ngân hàng Quân đội Mbbank). Biết mình đã dính bẫy kẻ gian nên anh P. đến Công an phường Tân Sơn Nhì trình báo sự việc.
Hôm sau, lúc 14 giờ 15, chị N.T.Q.N (21 tuổi) nhận được tin nhắn từ tổng đài Vietinbank thông báo tài khoản Ngân hàng Vietinbank của chị N. bị tạm khóa, đồng thời cung cấp đường link “http://www.vietinbankis.cc” yêu cầu N. đăng nhập để xác thực. Do thấy tổng đài nhắn tin nên chỉ không mảy may lo lắng, nhấn vào đường link trên và nhập các thông tin đăng nhập, mật khẩu và số điện thoại đăng ký tài khoản ngân hàng Vietinbank của mình. Ngay sau đó, tổng đài Vietinbank thông báo mã OTP và chị đã nhập mã OTP vào đường link trên thì tài khoản bị trừ số tiền hơn 40 triệu đồng.
“Tín dụng đen” chuyển vùng
Ngoài các hình thức lừa đảo chuyển tiền, thời gian gần đây, trước sự truy quét quyết liệt từ lực lượng công an nên các đối tượng chuyên hoạt động trong lĩnh vực “tín dụng đen” đã thay đổi môi trường, cách thức hoạt động và đảm bảo tính ẩn danh.
Cụ thể, Phòng Phòng An ninh mạng thông tin, hiện nay xuất hiện nhiều trang web, ứng dụng trên các dòng điện thoại thông minh cho phép người dân tiếp cận với nguồn tiền một cách nhanh chóng như: Vndong, Evay, Rrdong… Từ đó, các đối tượng bên cạnh các hoạt động cho vay còn tiến tới các hành vi thu thập thông tin cá nhân của người dùng, sử dụng cho các mưu đồ khác.
Chị N. bị “tín dụng đen” 4.0 bủa vây
Đơn cử như chị Phạm Thị Mỹ N. (ngụ Q4), sau đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ nhất đã phải tìm tới Báo CATP để cầu cứu. Sau khi trót vay tiền từ các ứng dụng “tín dụng đen”, nạn nhân không giấu được hoảng loạn vì gần như mọi thông tin cá nhân, hoạt động của chị đều bị các đối tượng xấu kiểm soát. “Khoảng tháng 7-2020, do công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tôi vào kho ứng dụng CH Play trên điện thoại chạy hệ điều hành Android tải về một ứng dụng tên “Modong” để vay tiền, đây thực tế là ứng dụng do các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực “tín dụng đen” phát triển), chị N. kể lại.
Sau khi tải ứng dụng, chị N. muốn được vay tiền phải cho “Modong” truy cập vào toàn bộ kho dữ liệu cá nhân trên điện thoại. nạn nhân vay số tiền 1,6 triệu đồng nhưng thực tế chỉ nhận về được 900 ngàn đồn. Ngoài ứng dụng Modong, người này còn tiếp tục tải thêm 3 ứng dụng khác và vay cùng số tiền như trên. Điểm chung của tất cả ứng dụng trên đều cho người vay số tiền nhỏ nhưng khấu trừ các loại phí rất cao và phải trả nợ dứt điểm trong thời gian ngắn.
Chưa cầm tiền ấm tay, chị N. phải tính đường trả nợ. Gần tới ngày tất toán khoản vay, chị bất ngờ nhận được cuộc điện thoại lạ. Đầu dây bên kia, một phụ nữ nói giọng nhẹ nhàng mở đầu câu chuyện, sau một hồi thăm dò, người này mới tiết lộ mình là nhân viên tư vấn của các ứng dụng cho vay nói trên. “Bữa giờ chị đang kẹt tiền và phải nhắn tin tùm lum để mượn phải không? Thôi chị lấy điện thoại ra rồi em hướng dẫn tải thêm một ứng dụng nữa, tụi em sẽ giải ngân cho chị đáo hạn”, người này ân cần hướng dẫn.
Cứ thế, từ 3 ứng dụng vay tiền đầu tiên, chị N. bắt đầu bị các đối tượng đưa vào vòng xoáy lúc nào chẳng hay. Tiếp đến, hàng chục ứng dụng lần lượt nằm trong danh sách tải về của chị. Mặc dù vậy, điều khủng khiếp nhất vẫn chưa xảy ra. Hàng loạt các thông tin liên quan tới đời tư cá nhân của chị N. gồm danh bạ điện thoại, tin nhắn, hình ảnh riêng tư đều bị các đối tượng nắm giữ. Nguyên nhân đều đến từ việc các ứng dụng trước đó đều đã nắm được quyền truy cập vào bên trong chiếc điện thoại.
Cận cảnh những ứng dụng được các chuyên viên “tín dụng đen” phát triển
Một cán bộ của Phòng An ninh mạng nhận định, trường hợp mà Báo CATP phản ánh, nếu người vay tiền không trả đúng kỳ hạn ngay lập tức nhận lấy những “đòn thù” của chúng. Do đã chiếm được quyền quản lý thông tin điện thoại cá nhân, chúng sẽ tự do quấּy rốּi người vay, bạn bè và gia đình, đồng nghiệp; thậm chí bôi nhọ thông tin và đăng tải trên các trang MXH… Từ đó, do quá sợ hãi trước những hành động đe dọa, con nợ sẽ buộc phải thanh toán tiền theo mức lãi “cắt cổ” do chúng đưa ra. Tất nhiên, trả xong tiền cũng chưa chắc thoát khỏi nanh vuốt của chúng.
Dù các thủ đoạn lừa đảo này không là mới và đã được cảnh báo nhiều lần song làm sao để có thể nhận diện được chính xác biểu hiện của các đối tượng xấu, tránh trở thành “con mồi” cho chúng tấn công thì không phải ai cũng rõ!