Chèo ở Thái Bình đang phát triển mạnh
Chèo là hồn của dân tộc Việt Nam, là bản sắc đặc thù riêng của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Chiếng chèo ở Thái Bình được phát triển mạnh từ thôn xóm làng quê tới thành thị, đã có nhiều thế hệ biết hát, diễn chèo và các câu lạc bộ chèo được hình thành duy trì trong nhiều năm qua. Cách hát diễn chèo của Thái Bình chân chất mộc mạc, cách hát đặc biệt riêng khác với các tỉnh. Hiện nay ở Thái Bình phát triển mạnh có Nhà hát chèo Thái Bình, đặc biệt trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình là nôi đào tạo các lớp diễn viên, nhạc công tài năng, nhiều sinh viên đã trưởng thành từ đây.
Nhận xét về tình yêu với nghệ thuật truyền thống chèo ở giới trẻ, nghệ sĩ Văn Tuấn cho biết, hiện nay ở Thái Bình lớp trẻ vẫn đam mê và yêu chèo, minh chứng là hằng năm tuyển sinh lớp diễn viên, nhạc công vẫn đông học sinh tham gia thi tuyển vào Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Bình, sau khi được đào tạo bài bản 3 năm ở trường các em đều trưởng thành và công tác tốt tại nhà hát chèo của các tỉnh.
Người thầy ươm tài năng nghệ thuật chèo
Nghệ sĩ, giảng viên Trần Văn Tuấn trên giảng đường
Trong gần 20 năm Văn Tuấn làm diễn viên thì có 10 năm làm cộng tác viên cho trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình, anh hướng dẫn cho sinh viên những mẫu hề chèo cổ, những vở chèo cổ mẫu mực như: Tuần Ty Đào Huế, Vu Quy, Vợ chồng ông chài,... Anh bảo, xuất phát từ niềm đam mê truyền nghề cho sinh viên, khi hướng dẫn cho sinh viên diễn vai mẫu chuẩn mực và truyền cảm hứng cho các em say mê chèo và phải có trách nhiệm với nghiệp tổ, chính vì vậy tôi quyết định chuyển ra trường làm giảng viên, mặc dù lúc đó đang là độ chín của một diễn viên để thể hiện các vai chính mang giải thưởng về cho bản thân nhưng tôi lại chọn nghề giáo mà tôi đã yêu và dành trọn tâm huyết đã nhiều năm.
Thầy giáo Trần Văn Tuấn là một trong những giảng viên ngành chèo được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý trọng.
Muốn chèo đến được với công chúng rộng rãi hơn
Bên cạnh đào tạo nghệ sĩ chèo chuyên nghiệp, Trần Văn Tuấn còn nhiệt tình tham gia dạy hát chèo trên truyền hình tỉnh Thái Bình (từ năm 2017), điều này góp phần lan tỏa nghệ thuật chèo đặc sắc của Thái Bình nói riêng, cả nước nói chung đến với đông đảo nhân dân. Anh Tuấn tâm sự, chèo có khoảng 150 làn điệu, trong đó có 4 thể loại: vui, buồn, trữ tình và thể tự do, và gần như các làn điệu chèo cổ đã được tôi dạy trên sóng. Năm 2021 tôi bắt đầu dạy các bài hát chèo dựa trên làn điệu chèo cổ lời mới.
Nghệ sĩ, giảng viên Trần Văn Tuấn say sưa dạy học trò tại nhà
Anh Tuấn say sưa kể, ngoài các vở diễn, các trích đoạn của các nhà hát được biểu diễn cho khán giả xem trực tiếp, những vở diễn được ghi hình phát sóng, để người xem cảm nhận được và đến gần với công chúng thì có thể ta quay về chiếu chèo sân đình từ làng quê mộc mạc cũng hát được, diễn được, biên tập trích đoạn gắn với hơi thở của thời đại những gương người tốt việc tốt… Dạy hát chèo trên sóng truyền hình cũng là một cách tiếp cận để nhiều người cùng học hát biết hát, biết về tính chất của từng làn điệu chèo.
Để có một chương trình lên sóng truyền hình rất vất vả, có tới năm công đoạn: dạy học sinh hát, thu thanh, ghi hình, dạy trên sóng, soạn bài dạy… Sức lan tỏa của dạy hát chèo trên sóng không chỉ đối với những người yêu chèo toàn quốc biết đến mà cả những người con xa quê kiều bào nước ngoài cũng mến mộ.
Và truyền dạy cho các em thiếu nhi cũng yêu chèo
Vợ anh Tuấn là nghệ sĩ Vũ Hằng Nga - Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình cũng là một nghệ sĩ rất say đắm với việc dạy chèo cho các em nhỏ tỉnh Thái Bình. Gia đình anh chị có 2 người con, con trai du học ở Pháp, con gái đang học Đại học Văn hoá nhưng ước mơ theo âm nhạc chuyên nghiệp.
Thầy Tuấn thị phạm động tác múa trong chèo
Trong suốt hơn hai mươi năm anh Tuấn cùng vợ đã dìu dắt nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, hè dạy các con ở tuyến huyện. Thông thường sáng chủ nhật hàng tuần, anh chị dạy học sinh ở các lứa tuổi ở các huyện và thành phố Thái Bình đều đam mê và yêu bộ môn nghệ thuật chèo.
Anh Tuấn chia sẻ, các con còn nhỏ khi dạy dành tình yêu thương nên phương pháp giảng dạy cũng khác, phải hoà mình và là bạn của các con để cùng hát cùng chơi thì mới phát hiện ra được từng sở trưởng của các em để dạy theo thể loại phù hợp để các em nắm bắt nhanh và thích thú học hơn.
Anh Tuấn nguyện cùng vợ sẽ truyền nghề cho các con đến khi nào không thể hát được múa được vì chúng tôi coi đây như một phần máu thịt của mình, vừa là trách nhiệm với nghiệp tổ, vừa hạnh phúc mỗi khi mình dạy và định hướng cho các con yêu say chèo.
Có thể nói những cống hiến âm thầm của nghệ sĩ Trần Văn Tuấn trong nhiều năm qua là hết sức có ý nghĩa, rất đáng trân trọng.