Được săn tìm
Rất nhiều vụ ngộ độc do ăn nhộng ve sầu đã từng xảy ra. Mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cảnh báo về tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn nhộng ve sầu có nấm ký sinh sau khi có 7 trường hợp phải cấp cứu.
Nhộng ve sầu trở thành đặc sản khi gần đây được nhiều tài khoản Facebook liên tục rao bán. Theo chị Đinh Thị Son (Vân Hồ, Sơn La) nhộng ve có nhiều loại, tuy nhiên ngon và đắt nhất là nhộng cánh tơ, còn non và chưa mọc cánh.
Ve sầu thường lột xác trong đêm nên người thợ phải đi bắt từ tối hôm trước. Đôi khi, đi cả buổi, 3 - 4 người mới bắt được 1 - 2 kg ve. Thời gian này đang là đầu mùa nên nhộng ve rất hiếm, có khi phải đi cả cây số mới săn được 1 – 2 kg nhộng.
Nhộng ve sau đó sẽ được sơ chế, ngâm nước muối pha loãng để ve nhả hết nhựa cây sau đó đóng gói, hút chân không và đưa ra thị trường. Ve sầu không có quanh năm mà chỉ xuất hiện từ đầu tháng 5 - 7.
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, ve sầu là họ côn trùng có đầu to, hai cánh trong nhiều vân với khoảng 2.500 loài trên thế giới. Ấu trùng ve thường sống trong đất với độ sâu khoảng 30cm đến 2,5m và chiếm phần lớn cuộc đời của chúng.
Còn thời gian sống của ve sầu trưởng thành rất ngắn, chỉ khoảng 40 - 60 ngày. Quá trình sinh trưởng của ve sầu đều chôn vùi trong đất. Vì vậy, ve sầu có vi sinh vật ký sinh và đây là nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc thực phẩm do ve sầu mang lại.
Thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho ve sầu lột xác và trưởng thành. Ve sầu non là món ăn dân dã, ngon, lạ miệng, rất được ưa thích. Vì thế, nhiều người đã tự bắt ve về chiên xào để ăn trong bữa cơm hoặc lai rai với rượu, bia. Từ nhu cầu đó, việc bắt, mua bán ve sầu nhiều năm trở lại đây trở nên phổ biến.
Nhộng ve sầu không có độc tố gây chết người nhưng lại dễ bị các loại nấm ký sinh trên cơ thể do sống sâu trong lòng đất lâu ngày. Đây chính là nguy hiểm tiềm ẩn khi sử dụng nhộng ve làm món ăn.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia của viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhộng có thể gây dị ứng cho những người có cơ địa không thích hợp.
Đối với nhộng con ve sầu, do nó sống trong môi trường đất cũng tạo cơ hội cho kí sinh trùng bám vào. Việc ăn nó có thể khiến kí sinh trùng xâm nhập vào cơ thể gây nguy hiểm. Do đó không nên tự ý ăn các loại nhộng, ấu trùng. Chuyên gia cũng cho hay, nhộng tằm từ trước đến nay được người dân sử dụng rất phổ biến tuy nhiên nhộng tằm cũng có thể gây dị ứng đối với người có cơ địa không phù hợp.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn; Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn.
Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.
Chưa có nghiên cứu về tác dụng của nhộng ve
GS Bùi Công Hiển cho biết, ve sầu là nguồn cung cấp protein tuyệt vời cho con người. Hàm lượng protein trong ve sầu cao gấp 3,5 lần so với thịt bò và gấp 6 lần so với cá chép. Tuy nhiên, tin đồn ve sầu có công dụng như một vị thuốc bổ, chữa được nhiều bệnh, đem lại sức khỏe cường tráng cho phái mạnh đang rộ lên đã khiến người dân nhiều nơi tìm kiếm để làm thức ăn, rao bán.
Tuy vậy, chuyện ăn nhộng ve sầu tốt cho sức khỏe chưa có cơ quan nào kiểm chứng nhưng đã có nhiều người phải nhập viện, thậm chí tử vong xảy ra hằng năm ở rất nhiều nơi trong cả nước.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính, chuyên gia về nấm, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, do nhộng ve sống khá lâu trong môi trường trước khi lột xác và trưởng thành ngoi lên khỏi mặt đất nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn hay các loài nấm độc ký sinh trên cơ thể.
Loài nấm tên khoa học Gyrommitrin thường ký sinh trên thân ve sầu có độc tố rất cao, cấu trúc của nó tương tự cấu trúc của một loài nấm độc. Độc tố của nó không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao, dù được nấu kỹ và lâu. Nếu bắt phải ổ nhộng ve sầu chưa lột xác và trên cơ thể chúng có sẵn loài nấm ký sinh này thì khi ăn phải, hậu quả sẽ khó lường.
Những ấu trùng ve bị nấm ký sinh thường có hình dáng khác thường: Đầu nhỏ, phần về cuối đuôi hơi phình ra. Nếu ăn phải loại này chắc chắn bị ngộ độc, tùy vào lượng ăn và độc tố của nấm có trên thân thể con nhộng mà mức nặng nhẹ khác nhau, có trường hợp chỉ ăn 1 con cũng bị ngộ độc.
Ngộ độc cấp tính xảy ra với các biểu hiện, như nôn, ói, co giật, hôn mê sâu và tăng nặng khi uống kèm với rượu, bia. Tỷ lệ tử vong rất cao nếu không cấp cứu kịp thời và điều trị đặc biệt.
TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) cũng khuyến cáo, dấu hiệu thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: Buồn nôn, nôn, run tay chân, co giật tay chân, chóng mặt, cứng hàm, ý thức lơ mơ, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong.
Ngộ độc càng tăng nặng khi uống kèm với rượu, bia. Vì vậy, người dân lưu ý không nên sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.
Đồng thời khi chế biến làm thức ăn, người nấu cần sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn: Ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi… để côn trùng bị kích thích thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết.
Người tiêu dùng cũng phải loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi; rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng, để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến.