Buổi chiều nắng gay gắt, căn phòng bệnh của khoa Ngoại Chấn thương, bệnh viện (BV) Quận 2 (TP.HCM) như ngột ngạt hơn khi xuất hiện bóng dáng 2 cụ già.
Tại chiếc giường sát mép tường, ông Nguyễn Văn Liệt (81 tuổi) cố nâng đôi tay run run, đút từng hớp nước cho vợ là bà Đàm Thị Tối (77 tuổi).
Nghe khách nhắc đến người thân, bà cụ nằm trên giường bỗng òa khóc. Nếp nhăn trên mặt ông Liệt cũng như hằn sâu hơn.
Cụ ông chia sẻ, con gái duy nhất của vợ chồng tôi chết mấy năm nay vì bệnh tiểu đường.
Từ ngày con chết, 2 đứa cháu của ông bà cũng về bên nhà nội sống.
Những ngày cuối đời trong bệnh tật, neo đơn của bà cụ.
Vậy là nhiều năm nay, ông Liệt, bà Tối phải nương tựa nhau những ngày cuối đời tại huyện Cần Giờ (TP.HCM), khi không có người thân nào khác bên cạnh. Họ sống bằng tiền chu cấp hàng tháng của người thân và tiền hỗ trợ của nhà nước.
Bà Tối từng được Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 3.
Tháng trước khi đang sinh hoạt tại nhà, bà Tối bị trượt chân té chấn thương nặng. Không có tiền đi điều trị, bà cứ ở nhà ráng chịu đau, uống thuốc cầm chừng.
Hậu quả là vết thương ngày càng nặng, nhiễm trùng và hoại tử khớp háng phải nhập viện cấp cứu.
Nhắc đến con cháu, bà Tối lại khóc.
Bác sĩ Sơn Hoàng Bảo, khoa Ngoại Chấn thương, BV Quận 2 cho biết thời điểm nhập viện bệnh nhân Tối bị đau khớp háng, đi lại không được. Ảnh chụp X-quang cho thấy bà bị gãy cổ xương đùi.
Các bác sĩ đã tiến hành cắt chỏm xương đùi, thay khớp háng nhân tạo bán phần cho bệnh nhân.
Hậu phẫu ngày thứ 5, bà Tối đã đứng và đi được, vết thương cũng đỡ đau và chuẩn bị được cho xuất viện để về nhà tập vật lý trị liệu và tái khám kiểm tra định kỳ.
Tuy nhiên viện phí thay khớp háng và chi phí nằm viện, thuốc thang đã hơn 40 triệu đồng.
Bác sĩ cho biết nữ bệnh nhân đã được thay khớp háng.
Biết được hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, phòng Công tác xã hội, BV Quận 2 đã trích quỹ và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ cho bệnh nhân đóng viện phí hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên con số ấy là chưa đủ.
Hỏi những ngày qua ăn uống ra sao, ông Liệt chia sẻ vì không có tiền nên ngày ngày ông xuống dưới sảnh để tìm xin cơm từ thiện. Còn ngủ thì nằm ở cạnh giường bệnh của vợ.
Bà cụ cần sự trợ giúp từ cộng đồng.
"Tiền viện phí tôi còn không có tiền để đóng, cũng may là từ lúc nằm đến giờ BV không đòi. Các cháu ở xa và cũng có công việc riêng nên hai vợ chồng cũng không thể đòi hỏi gì. Sức của tôi đến đâu, tôi chăm bà ấy đến đó.
Chúng tôi cũng không có nhà cửa nên giờ có xuất viện về cũng phải ở nhờ nhà đứa em. Bác sĩ nói nếu không có bất thường thì về uống thuốc thôi, còn không ổn có thể phải mổ lại" - ông Liệt tâm sự.
Ngày 8/3 với những người phụ nữ khác là hoa quà, sum họp vui vầy bên cháu con thì cụ bà Đàm Thị Tối chỉ có thể cầu mong mau khỏe để sống những ngày lay lắt cuối đời bên chồng.