Tin liên quan
Xem Video: Nghiên cứu: Vợ chồng không chia việc nhà dễ ly hôn
Mới đây, vụ việc anh chồng đòi lại tiền ăn, tiền khám chữa bệnh mới cho mang theo đồ đạc cá nhân khi hai người chia tay khiến dư luận xôn xao.
Cụ thể theo tờ Báo Online, một tài khoản Facebook "H.P" đăng tải lên trang cá nhân của mình nội dung: "Câu chuyện kể về một người phụ nữ đi lấy chồng không có tiền bạc của cải mang về nhà chồng. Kết hôn với chồng được 1 năm vì mâu thuẫn cô vợ không thể tiếp tục sống với anh chồng kia được nữa, và cô ấy chọn cách ra đi.
Ra đi vẫn chưa phải là cô ấy đã được giải thoát, anh chồng bắt cô ấy phải trả tiền ăn hàng ngày của cô cho anh ta thì anh chồng mới cho cô vợ mang đồ dùng cá nhân của mình đi (bình quân mỗi tháng 1 triệu đồng vậy là khi ra đi cô ấy phải trả 12 triệu đồng). Và rất nhiều những khoản tiền khác...".
Theo như những gì người vợ chia sẻ, sau khi ly hôn, người chồng bắt cô phải trả lại hơn 42 triệu đồng bao gồm: Tiền ăn hàng tháng (14 tháng) là 12 triệu đồng; tiền đi khám chữa bệnh để phục vụ sinh sản và tiền đóng học của chị H. là 7 triệu đồng; tiền đóng học phí của chị H. lần 2 là 5 triệu đồng; tiền mừng cưới của anh H. là 13,3 triệu đồng và 1 chỉ vàng mẹ chồng tặng cho chị H. ngày cưới trị giá 5,6 triệu đồng. Thậm chí, người chồng còn giữ lại giấy tờ tùy thân của vợ đến bao giờ trả đủ tiền mới đưa.
Theo thông tin tờ Doanh nghiệp và Tiếp thị đăng tải, cô vợ tên là P.T.T.H (31 tuổi, quê huyện Kiến Xương, Thái Bình) và chồng là anh Đ.N.H (32 tuổi, quê tại Kiến Xương, Thái Bình). Chị P.T.T.H hiện là giáo viên mầm non tại xã Quốc Tuấn (H. Kiến Xương, Thái Bình), còn người chồng là công nhân. Mặc dù mới cưới nhau được 14 tháng, nhưng cặp đôi này không hạnh phúc dẫn đến ly hôn.
Tờ Doanh nghiệp & Tiếp thị dẫn lời xác nhận của ông Vũ Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn về vụ việc và cho biết, năm 2019, anh H. và chị H. có làm đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, hiện nay do mâu thuẫn cuộc sống gia đình nên hai người muốn chia tay nhau.
Theo Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, cả anh H. và chị H. đều từng có gia đình, sau khi chia tay người cũ thì hai người đến với nhau, có làm đăng ký kết hôn.
"Lúc trước vợ chồng có mâu thuẫn, chính quyền và đại diện thôn cũng đã có mặt để hòa giải. Hiện tại hai vợ chồng vẫn chưa làm thủ tục ly hôn và đang chung sống với nhau. Về việc lập biên bản bàn giao là chuyện riêng giữa anh H. và chị H. tự thỏa thuận với nhau, chính quyền địa phương không can thiệp. Vì nếu có tranh chấp về tài sản thì hai vợ chồng không thể tiến hành các thủ tục ly hôn được", ông Thắng cho biết thêm.
"Biên bản bàn giao" liệt kê các khoản tiền đã trả hết, được cho là được lập, ký kết giữa chị H. và người chồng
Ở một khía cạnh khác, trao đổi với PV Hoàng Hải của tờ Doanh nghiệp & Tiếp thị, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) bày tỏ, nếu sự việc trên là có thật thì đây là hành vi đáng xấu hổ, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của người chồng.
Việc người đàn ông này đòi lại những khoản tiền đó là không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với đạo đức xã hội.
Tiền khám chữa bệnh, tiền học phí là chi phí đã chi ra rồi và pháp luật không cho phép đòi lại những khoản tiền này.
Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng có thể vào cuộc xem xét làm rõ các khoản tiền, tài sản được kê trong biên bản này có phải là tài sản của người chồng không.
"Trong trường hợp cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ có căn cứ cho thấy rằng người chồng đã giữ giấy tờ của vợ để đe dọa uy hiếp, buộc vợ phải đưa những khoản tiền không có căn cứ, không đúng pháp luật cho mình.
Người vợ vì lo sợ, vì bị ép buộc, dọa nạt nên miễn cưỡng đưa tiền cho chồng thì dù việc đưa tiền có sự chứng kiến của cơ quan tổ chức cá nhân thì hành vi này cũng là hành vi cưỡng đoạt tài sản, theo điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.
Với số tiền dưới 50.000.000 đồng thì người có hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù...", luật sư Cường nhận định.