30 Tết, trái với cảnh xe cộ tấp nập, tiếng hàng xóm hỏi thăm nhau rộn cả con phố, xã Lâm Thao (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) nằm im lìm, bên trong chốt chặn khu cách ly.
Người dân ở đó đã 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội do có 3 ca nhiễm COVID-19 (BN 1565, 1652 và 1702). Cả 3 đều trú tại thôn Nhiêu Đậu, xã Lâm Thao.
Sau khi dự đám cưới cùng thôn, bố mẹ, ông bà của em Đỗ Quốc Triệu (15 tuổi, thôn Nhiêu Đậu, xã Lâm Thao) trở thành F1 và bị đưa đi cách ly. Nhà không còn người lớn, dưới Triệu là cậu em trai mới 10 tuổi, hai anh em còn nhỏ, chưa thể tự chăm nhau. Em trai Triệu đành phải vào khu cách ly cùng mẹ.
Càng gần Tết, Triệu càng buồn, không có người thân bên cạnh, ngôi nhà càng trở lên trống vắng hơn. Cậu con trai đang tuổi mới lớn còn vụng về nhưng bất ngờ phải sống một mình khiến chàng trai này phải thường xuyên gọi cho mẹ để nhờ tư vấn, giúp đỡ.
"Lần đầu tiên phải sống một mình vào dịp Tết, cả ngày loanh quanh không biết làm gì. Những gì không biết em lại gọi điện thoại hỏi mẹ, bố mẹ dù ở trong khu cách ly nhưng ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm tình hình của em", Triệu kể.
Bố mẹ, ông bà bị đi cách ly, Triệu phải đón Tết một mình.
Triệu nói, những ngày sống vắng người thân với Triệu là những ngày dài đằng đẵng, nhất là khi Tết đã cận kề. Từ khi biết tin bố mẹ và ông bà xét nghiệm 3 lần đều âm tính, Triệu vừa vui, vừa hồi hộp, thỉnh thoảng cậu lại đứng trông ra ngõ, mong ngóng cả nhà sẽ được trở về cùng nhau đón năm mới.
Cũng giống như Triệu, từ khi UBND tỉnh Bắc Ninh có chỉ đạo giãn cách xã hội toàn bộ xã Lâm Thao trong 21 ngày, bắt đầu từ 00h ngày 29/1, cuộc sống gia đình ông Tuấn (thôn Nhiêu Đậu) bị đảo lộn.
"Từ khi thôn xuất hiện ca nhiễm COVID-19 rồi bị phong toả, cuộc sống gia đình tôi đảo lộn rất nhiều, tất cả phải ở nhà, không làm ăn gì được, thu nhập bị giảm, do nằm trong vùng có dịch nên công ty các con tôi cũng cho tạm nghỉ ở nhà", ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn bên nồi bánh chưng đón Tết, năm nay con cháu ông ở xa không thể về nhà vì dịch
Ông Tuấn kể rất may mắn khi ông và các gia đình khác trong thôn được chính quyền xã cùng các đoàn thể quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ tiền, thực phẩm hàng ngày như nước mắm, mì chính, mì tôm, trứng,…
"Ở vùng dịch nhưng tôi không thiếu cái ăn, chỉ buồn vì thiếu tiếng cười sum họp của gia đình ngày Tết. Tôi còn 4 đứa con và các cháu đi làm ăn xa, nhưng vì tình hình dịch bệnh ở quê nên không đứa nào về. Mọi năm con cháu về chật kín nhà. Tết năm nay không ai về, tôi thấy rất buồn, nhớ… Tuy nhiên đây cũng là tình trạng chung, mình cứ tuân thủ nghiêm về phòng chống dịch thì sẽ góp phần giảm thiểu lây lan dịch bệnh", ông Tuấn chia sẻ.
Trả lời PV VTC News, ông Vũ Văn Tuấn (Chủ tịch UBND xã Lâm Thao) cho biết, nắm bắt tâm lý người dân những ngày giáp Tết, chính quyền địa phương giao đoàn thanh niên làm công tác tuyên truyền để bà con nhân dân trong xã yên tâm đón Tết, giao hội phụ nữ phục vụ nhu yếu phẩm của bà con.
"Người dân địa phương rất yên tâm chống dịch, không hoang mang. Đối với học sinh, sinh viên hoặc người đi làm ăn xa muốn trở về gia đình vào dịp Tết, chúng tôi cũng tạo điều kiện nhưng khuyến cáo các hộ gia đình nếu thật cần thiết thì hãy bảo con cháu về, nếu không cần thiết thì động viên con cháu ăn Tết tại trường hoặc nơi công tác. Đến thời điểm này có khoảng hơn 100 trường hợp là học sinh, sinh viên, người lao động đi làm ở xa trở về quê hương và đã khai báo ở trạm y tế", lãnh đạo UBND xã Lâm Thao thông tin.
Một cành đào mang sắc xuân được gửi tặng người dân thôn Nhiêu Đậu bị cách ly
Theo ông Tuấn, mỗi nhân khẩu của địa phương được hỗ trợ 60.000/ngày trong 21 ngày cách ly. Nhiều cá nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp ủng hộ, quyên góp cho người dân vùng dịch xã Lâm Thao các nhu yếu phẩm như mì tôm, trứng, nước mắm, bột canh, bánh chưng. Ngoài ra, xã cũng nhận được 9 tấn rau xanh của Đoàn Thanh niên huyện Lương Tài hỗ trợ và đưa đến tận tay bà con trong vùng dịch.
Đặc biệt, trong thời gian bị cách ly, tại xã có một trường hợp thai phụ sắp đến ngày sinh, lực lượng chức năng xã Lâm Thao chuẩn bị sẵn ô tô đưa đến bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh để sinh, làm các thủ tục y tế nghiêm ngặt.
Ngoài ra, một đám tang của vợ liệt sĩ cũng được tổ chức tuân thủ theo đúng quy định của địa phương về phòng chống dịch, không tập trung đông người.