Trong văn bản 14 trang, các luật sư của ông Trump nói Thượng viện không có thẩm quyền xét xử một tổng thống đã mãn nhiệm. Họ cũng phủ nhận cáo buộc ông Trump kích động B.L khi kêu gọi đám đông ủng hộ kéo đến Điện Capitol ngày 6/1, cho rằng ông có quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án số 1 của Hiến pháp Mỹ, theo Reuters.
Tuần trước, 45 trên 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ một động thái nhằm chặn phiên xử ông Trump, cũng với lập luận rằng tổng thống đã mãn nhiệm không thể bị xét xử.
Động thái trên không được thông qua, nhưng số phiếu thể hiện sự thống nhất trong nội bộ đảng Cộng hòa là không muốn kết án. Do vậy, nhiều khả năng sẽ không có đủ số phiếu (cần 2/3 số nghị sĩ tại Thượng viện) để kết án ông Trump.
Trong hồ sơ của mình, nhóm hạ nghị sĩ đảng Dân chủ lại lập luận rằng không có quy định nào cấm luận tội hoặc kết án tổng thống mãn nhiệm.
“Các tổng thống không thể được phép phạm tội một cách thoải mái khi gần hết nhiệm kỳ”, các nghị sĩ này viết.
Ông Trump là tổng thống Mỹ duy nhất bị luận tội hai lần trong nhiệm kỳ, và là tổng thống đầu tiên bị xét xử sau khi mãn nhiệm.
“Sẽ rất vô lý nếu lấy lý do quyền tự do ngôn luận để gạt đi điều hiển nhiên: rằng Tổng thống Trump chịu trách nhiệm hoàn toàn cho vụ bạo loạn, phá hoại xảy ra tại trụ sở Quốc hội ngày 6/1”, nhóm nghị sĩ Dân chủ viết.
“Hành vi của Tổng thống Trump xúc phạm mọi giá trị trong Hiến pháp của chúng ta”, theo văn bản dài 80 trang.
“Ông ta kích động những kẻ bạo loạn tới Washington, làm cho họ nổi giận, và hướng đám đông về phía Đại lộ Pennsylvania như một khẩu đại bác đã lên đạn. Khi Điện Capitol bị xâm chiếm, Tổng thống Trump được cho là đã ‘hài lòng’”, theo lập luận của đảng Dân chủ.
Văn bản của đảng Dân chủ không nêu rõ sẽ gọi nhân chứng nào tới phiên xử, nhưng có nhắc đến cuộc gọi tai tiếng của ông Trump cho quan chức bầu cử bang Georgia, ông Raffensperger. Trong đó, ông Trump thúc giục ông Raffensperger phải “tìm ra” gần 11.780 phiếu nữa để ông có thể đắc cử, dù không đưa ra được căn cứ nào cho yêu cầu nói trên.
Trong văn bản của mình, nhóm luật sư của ông Trump tiếp tục cáo buộc gian lận bầu cử, vốn là những cáo buộc không có căn cứ.
Trước đó, 5 luật sư trong nhóm bào chữa của ông Trump đã từ chối đưa ra cáo buộc này, và quyết định rời bỏ ông. Năm luật sư trên chỉ muốn bào chữa dựa vào tính hợp pháp hoặc không của việc xét xử một tổng thống đã mãn nhiệm, nhưng ông Trump không chịu. Ông vẫn muốn tập trung vào việc có gian lận bầu cử diện rộng.
Hơn 60 vụ kiện gian lận bầu cử không hề có cơ sở của ông Trump đã bị tòa án các cấp bác bỏ, bao gồm những vụ bị Tòa án Tối cao bác bỏ.