Xem Video: 23 vụ lừa đảo siêu tinh vi qua Zalo
VKSND Hà Nội vừa ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, ở Hà Nội) và 24 bị can liên quan vụ 3 ngân hàng bị chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài xác định nữ bị can này lừa hơn 400 tỷ đồng của ngân hàng NCB, PVcomBank, VietABank và một số cá nhân, VKS còn cáo buộc nhiều người đã cho siêu lừa vay nặng lãi.
Cán bộ ngân hàng môi giới vay nặng lãi
Theo cơ quan tố tụng, giai đoạn 2016-2018, Hà Thành làm ăn thua lỗ nên nhiều lần vay tiền của mọi người với lãi suất cao. Thời gian đầu, Thành trả nợ đúng hạn. Sau đó, để có tiền kinh doanh, Thành câu kết với Nguyễn Thanh Tùng (44 tuổi, Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) lập mưu chiếm đoạt tiền của các ngân hàng và cá nhân.
Tháng 6/2018, Hà Thành có khoản vay 19 tỷ sắp đáo hạn tại NCB. Thiếu hơn 12 tỷ, Thành đã nhờ Nguyễn Hồng Trung (cán bộ ngân hàng NCB phụ trách khoản vay này) tìm chỗ vay tiền.
Được Trung nhờ cậy, một cán bộ khác của NCB là Phạm Thế Tuấn đã tìm gặp Nguyễn Thị Hồng Hạnh (người góp tiền cùng Triệu Đình Hoan chuyên cho vay để đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao).
Nghe Hạnh kể về nhu cầu của Hà Thành, Triệu Đình Hoan (Giám đốc Công ty Hà Linh ở Hà Đông, Hà Nội) đồng ý xuất tiền với điều kiện bị can Trần Thị Hoa (Phó giám đốc NCB chi nhánh Hà Nội kiêm Giám đốc điều hành khu vực Tây Hà Nội) đứng ra đảm bảo khoản vay của Thành tại NCB được giải ngân trong ngày.
Qua trung gian, Thành đồng ý vay của Hoan 12,3 tỷ với lãi suất 175 triệu đồng. Giữa năm 2018, Hạnh mang tiền đến NCB cho Thành vay bằng cách nộp vào tài khoản của Công ty Joengho Landmark.
Ngay khi nhà băng giải ngân khoản vay 19 tỷ cho Công ty Joengho Landmark, Hạnh nhận lại 12,3 tỷ để đưa cho Hoan. Còn Hà Thành chuyển 175 triệu đồng tiền lãi cho Nguyễn Hồng Trung.
VKS xác định tiền lãi suất hợp pháp (20%/năm) cho khoản vay 12,3 tỷ đồng là hơn 13 triệu. Với việc giao dịch số tiền lãi lên đến 175 triệu, các bị can đã cho vay nặng lãi để thu lợi bất chính hơn 161 triệu đồng.
Theo cáo trạng, cán bộ NCB là Phạm Thế Tuấn đã môi giới cho Hà Thành vay tiền từ Triệu Đình Hoan và Nguyễn Thị Hồng Hạnh, qua đó hưởng lợi 77 triệu. Nguyễn Hồng Trung có vai trò đồng phạm giúp sức cho Tuấn nhưng không hưởng lợi. Còn Hoan và Hạnh thu lời bất chính 90 triệu.
Lừa ngân hàng lấy tiền trả tín dụng đen
Sau lần đó, Hà Thành tiếp tục vay tiền của Triệu Đình Hoan bằng hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu tại VietABank (VAB) chi nhánh Đông Đô. Hoan đã rủ Triệu Thị Lệ Hằng (tức Phương "Hổ", ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng góp tiền.
VKS xác định sau khi vay 160 tỷ của Hoan, Hằng với lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày (tương đương 146%/năm), Hà Thành đã lập 6 hợp đồng để gửi tiền vào VAB. Ngoài ra, Hoan còn cho Hà Thành vay thêm 20 tỷ với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày.
cáo trạng chỉ rõ bị can Thành đã trả tổng số tiền lãi hơn 47 tỷ cho khoản vay từ nhóm Triệu Đình Hoan. Trong đó, Hoan hưởng lợi 23 tỷ, Hằng thu lời 18 tỷ.
Liên quan đến việc cho vay này, 4 nhân viên của Hoan là Triệu Thị Hạnh, Nguyễn Thị Là, Nguyễn Huy Tiến và Đặng Đình Đạt cũng bị xử lý trong vụ án này về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự
Về phía Hằng, lời khai của người phụ nữ này còn nhiều mâu thuẫn. Cơ quan điều tra nhiều lần triệu tập nhưng Hằng và một số người liên quan gồm Triệu Thị Tuyết Trinh, Triệu Hùng Cường không đến làm việc nên cảnh sát đã tách tài liệu liên quan hành vi có dấu hiệu cho vay lãi nặng để làm rõ sau.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng cũng xác định nhiều cá nhân khác đã có dấu hiệu cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự khi cho Hà Thành vay hơn 60 tỷ đồng với lãi suất cao hơn mức quy định.
Từ các khoản tiền vay, bị can Thành gây ra nhiều phi vụ lừa đảo các ngân hàng bằng thủ đoạn mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, sau đó lợi dụng danh nghĩa của người đồng sở hữu để cầm cố sổ tiết kiệm, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của ngân hàng. Theo điều tra, Thành dùng số tiền này để mua cổ phần, xây dựng công trình tòa nhà MHD, đáo nợ khoản vay tại 3 ngân hàng và trả gốc, lãi các khoản nợ ngoài xã hội.