Sáng 21-1, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thay mặt Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy viên Hội đồng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã giới thiệu kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với những mốc thời gian cụ thể.
Theo đó, ngay sau hội nghị này, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở địa phương mình.
Việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương được tiến hành theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có từ 21 – 31 thành viên, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan, được thành lập chậm nhất là ngày 7-2-2021 (105 ngày trước ngày bầu cử).
Ủy ban bầu cử cấp huyện có từ 11 – 15 thành viên, Ủy ban bầu cử xã có từ 9 – 11 thành viên cũng sẽ được thành lập chậm nhất là ngày 7-2-2021 (105 ngày trước ngày bầu cử).
Với Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử một Ban bầu cử đại biểu Quốc hội có từ 9 – 15 thành viên để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên là đại diện thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan. Thời hạn quyết định thành lập chậm nhất là ngày 14-3-2021 (70 ngày trước ngày bầu cử).
Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử, gồm đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.
Thành phần Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có thêm đại diện cử tri ở địa phương. Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 11 – 13 thành viên; cấp huyện có 9 – 11 thành viên; cấp xã có 7 – 9 thành viên; được thành lập chậm nhất là ngày 14-3-2021 (70 ngày trước ngày bầu cử).
Tổ bầu cử, được thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu, có từ 11 – 21 thành viên; riêng các đơn vị vũ trang nhân dân, được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng mỗi một Tổ bầu cử có từ 5 – 9 thành viên được thành lập chậm nhất là ngày 3-4-2021 (50 ngày trước ngày bầu cử).
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử và việc kết thúc hoạt động của các tổ chức này được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Trên cơ sở số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến, số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử được tính căn cứ theo số dân, do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được công bố chậm nhất là ngày 4-3-2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).
Như vậy, các địa phương gửi dự kiến danh sách đơn vị bầu cử ở địa phương mình về Hội đồng bầu cử quốc gia 85 – 90 ngày trước ngày bầu cử (khoảng 22-2 đến 27-2-2021).
Với Hội đồng nhân dân, số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu được công bố chậm nhất là ngày 4-3-2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).
Hội nghị hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức chậm nhất là 17-2-2021 (95 ngày trước ngày bầu cử).
Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 được tổ chức chậm nhất là 19-3-2021 (65 ngày trước ngày bầu cử). Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 chậm nhất là 18-4-2021 (35 ngày trước ngày bầu cử).
Sau mỗi lần Hội nghị hiệp thương, biên bản đều phải được gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia.
Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu. Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu.
Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân.
Danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu chậm nhất là 13-4-2021 (40 ngày trước ngày bầu cử), đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra.
Mọi khiếu nại, tố cáo về bầu cử thực hiện theo Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW ngày 2-12-2020 của Ủy ban kiểm tra trung ương về thực hiện việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp.
Đối với việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh để các cơ quan này giải quyết.
Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng.
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.