Tây Ninh: Người đàn ông mù hái dừa, bắt cá nuôi cả gia đình

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bị mù từ lúc nhỏ, ông Bình ngày ngày trèo dừa, ra sông bắt cá, cào hến, đi mót khoai mì... để nuôi vợ và bốn người con.
Tây Ninh: Người đàn ông mù hái dừa, bắt cá nuôi cả gia đình
Ảnh minh họa

                           Xem Video: Người đàn ông nuôi sống cả gia đình bằng nghề trượt mong bắt cá
                           

Ông Nguyễn Văn Bình (xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) mù hai mắt lúc lên 5 tuổi do bị sởi. "Lúc đó gia đình rất khó khăn, ông nội lại vừa chết nên việc điều trị không đầy đủ. Mắt tôi cứ sưng to rồi mờ dần, bác sĩ phải bỏ cả hai con mắt đi", ông nhớ lại.

Ông đang sống cùng vợ và bốn con (ba gái, một trai) trong căn nhà lụp xụp do người cha để lại. Nhìn vẻ bề ngoài, ông trông già hơn so với tuổi 43 của mình.

Để nuôi vợ con, ông không từ nan bất cứ việc gì. Suốt 20 năm qua, ông làm đủ mọi việc như một người bình thường. Vào mùa nắng, ông được người dân trong vùng thuê hái dừa. Tuy mù, nhưng ông lại leo một cách nhanh nhẹn.

"Từ nhỏ tôi đã mò mẫm giúp cha mẹ việc nhà, theo phụ đồng áng, chài lưới. Cứ như vậy tôi dần thành thạo, đôi tay có thể làm nhiều việc dù không nhìn thấy gì. Như hái dừa, tôi chỉ cần búng nhẹ trái là đoán được non già", ông chia sẻ.

Được chủ trả công 1.000 đồng một trái, mỗi ngày ông có thể kiếm hơn 100.000 đồng.

Nhà ở ngay hồ Tha La - một hồ nằm ở thượng nguồn hồ Dầu Tiếng - nên từ nhỏ ông đã thạo nghề sông nước. Những khi không ai thuê mướn, ông lại ra hồ chài lưới.

"Vào mùa mưa, nước dâng cao nên chỉ dám bắt cá ven bờ thôi. Nhưng bị mù nên không phải lúc nào tôi cũng đoán được vùng nước nhiều cá, nhiều khi quăng đến rã rời tay mà chẳng thu được gì", ông nói.

Chỉ bằng bàn tay, ông có thể phân biệt từng loại cá và tự gỡ lưới. Ông cho biết, hồ Tha La nhiều cá chốt, rô phi, mè... nhưng mấy loại này giá rẻ, nếu may trúng cá to thì bán được nhiều tiền.

"Nghề chài lưới vô chừng lắm, có khi kéo được cả trăm ký cá, lúc thì được có vài con. Ngoài ra, tôi còn đi cào hến, mò ốc, đêm lại đi bắt cua... miễn sao có tiền thì làm", ông chia sẻ.

Những ngày cuối tháng 9, ông đi mót khoai mì (sắn) cùng anh em trong gia đình. Ruộng khoai mì nào nhổ xong, chủ sẵn sàng cho người khác cuốc đất, kiếm củ còn sót lại. Ruộng gần nhà hết, ông lại theo mọi người đi xa hàng chục cây số, mót từ sáng sớm đến chiều muộn mới về.

Những củ khoai mì còn sót lại thường cong queo, không đạt chất lượng. Loại này dùng để xay làm thức ăn gia súc nên giá chưa đến 2.000 đồng một ký. Hôm nào may mắn, ông có thể đào được cả trăm ký. Kiếm được bao nhiêu tiền ông đều dành dụm lo gia đình.

"Điều may mắn là tôi luôn có gia đình tương trợ. Mỗi khi đi làm đều có người đi cùng, lái xe máy để chở đến nơi ’mần ăn’ hay dắt tôi trên đường. Anh em đều là dân lao động nghèo, cùng nhau san sẻ khó khăn, vui buồn trong cuộc sống", ông bộc bạch.

Vợ ông không biết chữ, quen ông khi cùng ra hồ Tha La chài cá. Hơn 18 năm trước, cả hai được cha mẹ hai bên mai mối nên duyên vợ chồng.

"Hồi đầu tôi không ưng, cứ khóc hoài vì thấy ổng mù. Cha mẹ khuyên mãi, khen ổng chất phác, làm việc chăm chỉ nên tôi cũng thuận lòng. Giờ nghĩ lại, thấy nhiều người mắt sáng chưa chắc bằng ổng, vừa chịu khó lại rất thương vợ con", bà Nguyễn Thị Đẹp (40 tuổi) chia sẻ.

Điều làm ông Bình day dứt là việc hai người con gái đã nghỉ học từ cấp hai, ở nhà phụ cha mẹ chăn bò, cơm nước. Cô con gái lớn 1‌8 tuổ‌i mới lấy chồng, sinh con. Hai vợ chồng cũng nhường nốt căn nhà cho con, dựng chòi cạnh đó để ở. "Giờ làm được bao nhiêu tiền tôi càng phải cố dành dụm để lo cho hai đứa còn lại ăn học đầy đủ, nhất là thằng út. Mình nghèo không lẽ đời con cũng khổ mãi sao?", ông nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật