Tin liên quan
Hạ viện Mỹ hôm 13/1 bỏ phiếu thông qua điều khoản cáo buộc Tổng thống Donald Trump kích động bạo loạn sau vụ đám đông xông vào tòa nhà quốc hội, khiến ông trở thành tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ bị xem xét bãi nhiệm tới hai lần.
Điều khoản luận tội Trump giờ đây được chuyển tới Thượng viện, nơi một "phiên tòa" sẽ được tổ chức. Nếu 2/3 thượng nghị sĩ tán thành điều khoản, Tổng thống sẽ bị phế truất khỏi mọi chức vụ, đồng thời đối mặt nguy cơ bị cấm trở lại chính quyền, chấm dứt sự nghiệp chính trị.
Để làm được điều này, phe Dân chủ phải lôi kéo được ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa quay lưng với Trump và ủng hộ điều khoản luận tội. Đây là con số khá lớn và khó có thể đạt được, bởi trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 13/1, chỉ có 10 hạ nghị sĩ Cộng hòa quay lưng với Trump và 197 người phản đối luận tội ông. Theo khảo sát của Đại học Quinnipiac được tiến hành sau vụ bạo loạn ở Đồi Capitol, 71% cử tri Cộng hòa vẫn ủng hộ Trump.
Tuy nhiên, một nguồn tin nội bộ giấu tên cho rằng nếu lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, người có uy tín rất lớn trong đảng, đồng ý luận tội Trump, tương lai chính trị của Tổng thống coi như kết thúc.
"Dù 17 thượng nghị sĩ là con số gây nao núng, cái gật đầu của McConnell vẫn sẽ có sức nặng vô cùng lớn", Liam Donovan, nhà vận động hành lang từng phụ trách chiến dịch của phe Cộng hòa tại Thượng viện, bày tỏ.
Trong thông báo gửi tới các đồng nghiệp phe Cộng hòa hôm 12/1, McConnell cho biết ông "chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc bỏ phiếu và dự định lắng nghe những lập luận pháp lý khi chúng được trình bày trước Thượng viện".
Tuy nhiên, bình luận viên Chris Cillizza của CNN chỉ ra rằng phản ứng lần này của McConnell khác biệt so với lần luận tội đầu tiên của Trump năm 2019, khi Tổng thống bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội sau khi gây sức ép với Ukraine điều tra Joe Biden. Tại thời điểm đó, McConnell đã nhanh chóng phản đối cáo buộc, Trump cuối cùng cũng được Thượng viện tha bổng.
Theo Cillizza, McConnell giờ đây có nhiều lý do để ủng hộ luận tội Trump, đầu tiên là tầm ảnh hưởng suy yếu của Tổng thống. Dù vẫn còn một bộ phận khá đáng kể trong đảng Cộng hòa trung thành với Trump, những diễn biến vài tuần qua, chưa kể đến 4 năm hỗn loạn dưới thời Trump, cho thấy Tổng thống là người hoàn toàn không thể lường trước và thiếu kiểm soát. Tầm nhìn trung và dài hạn của McConnell, cũng như các đảng viên Cộng hòa khác, khiến họ khó có thể tiếp tục bỏ qua những phát ngôn và hành động của Trump.
Việc ủng hộ phế truất Trump sẽ không khiến những động thái thỏa hiệp với Tổng thống của McConnell 4 năm qua bị lãng quên. Tuy nhiên, nó chắc chắn giúp quá trình "bước sang trang mới" sau khi Trump rời đi dễ dàng hơn, Cillizza phân tích. Ngoài ra, nó còn giúp bảo vệ các quan chức dân cử của đảng Cộng hòa, khi họ không còn cần thể hiện quan điểm về những hành động vi phạm chuẩn mực của Trump.
"Chúng ta đều biết McConnell tin rằng luận tội Trump thực sự là điều tốt cho đảng Cộng hòa của ông ấy, bởi đây là cơ hội để họ có thể công khai tuyên bố quay lưng với Tổng thống sắp mãn nhiệm", Cillizza nhận định.
Điều này được cho là đặc biệt quan trọng giữa lúc hàng loạt doanh nghiệp Mỹ tuyên bố ngừng quyên góp cho những nghị sĩ Cộng hòa phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri trong phiên họp quốc hội hôm 6/1. Vấn đề này vô cùng đáng lo ngại đối với McConnell và toàn bộ lãnh đạo đảng Cộng hòa, bởi họ cần giành lại quyền kiểm soát lưỡng viện trong các cuộc bầu cử tương lai.
"McConnell và lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cần tìm ra cách lấy lại sự ủng hộ của các tập đoàn. Còn phương án thuyết phục nào tốt hơn việc Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát kết tội và bãi nhiệm Trump?", Cillizza đánh giá.
Bất kể Thượng viện quyết định ra sao, Biden vẫn sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ vào ngày 20/1. Do đó, việc luận tội và phế truất Trump giờ đây hầu như không có tác động thực tế nào, mà chỉ mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, Cillizza cho rằng trong chính trị cũng như cuộc sống, tính biểu tượng và những phát ngôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể tạo ra tác động to lớn, như quan điểm mà cựu tổng thống Barack Obama từng đưa ra.
"Đúng là các bài phát biểu không giải quyết được tất cả vấn đề. Tuy nhiên, sự thật là nếu chúng ta không thể truyền cảm hứng để đất nước vững tin trở lại, dù có đưa ra bao nhiêu chính sách và kế hoạch cũng chẳng có nghĩa lý gì", Obama phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2008.