Theo NHC, trong số các ca lây nhiễm trong nước, tỉnh Hà Bắc có 33 ca, tỉnh Liêu Ninh - 2 ca, Bắc Kinh và Hắc Long Giang, mỗi nơi có 1 ca. Tính đến hết ngày 7/1, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 87.331 ca nhiễm, trong đó 4.634 ca tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) hiện ghi nhận tổng cộng 9.107 ca mắc, trong đó 154 ca tử vong. Đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) có 46 ca mắc. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) có tổng cộng 822 ca mắc, trong đó 7 ca tử vong.
* Tại Hàn Quốc, làn sóng dịch bệnh thứ ba đang cho thấy dấu hiệu giảm dần sau khi nước này đã trải qua đỉnh dịch trong bối cảnh chính phủ áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc vẫn duy trì thận trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể của virus SARS-CoV-2 cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA), Hàn Quốc ngày 8/1 ghi nhận 674 ca nhiễm mới, trong đó 633 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 67.360 ca. Đây là số ca mắc mới theo ngày thấp nhất kể từ ngày 2/1 vừa qua và là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới trong một ngày ở mức dưới 1.000 ca/ngày. KDCA cho biết tổng số ca tử vong đã tăng lên 1.081 ca sau khi có thêm 35 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Giới chức Hàn Quốc cho biết tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang chậm lại sau khi đạt đỉnh vào tháng 12/2020 nhờ việc người dân tuân thủ quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn. Mặc dù vậy, giới chức y tế Hàn Quốc tiếp tục duy trì cảnh giác khi nước này vẫn phát hiện các ổ dịch ở những trung tâm dưỡng lão, nhà thờ cũng như sự lây lan biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Cho đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận 15 ca nhiễm biến thể này khiến chính phủ gia hạn lệnh cấm các chuyến bay đến từ Anh cho đến ngày 21/1 tới.
Ngoài ra, bắt đầu từ sáng 8/1, những người nước ngoài nhập cảnh tại các sân bay của Hàn Quốc phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay. Quy định này có hiệu lực đến ngày 15/1 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc Jeon Hae-cheol cho biết các cơ quan y tế sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch quyết liệt để làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 với các hướng dẫn chi tiết về cách thức cho các doanh nghiệp. Cụ thể, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp liên quan cho đến khi triển khai toàn diện việc tiêm vaccine và phương pháp điều trị COVID-19, đồng thời tìm cách sửa đổi các hướng dẫn phòng dịch để không tạo thêm gánh nặng cho một số lĩnh vực.
* Tại Nhật Bản, chính quyền Osaka, Hyogo và Kyoto đang cân nhắc khả năng kiến nghị chính phủ mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra 3 tỉnh này trong bối cảnh dịch COVID-19 tại đây đang diễn biến phức tạp.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, lãnh đạo các tỉnh Osaka, Hyogo và Kyoto đều cho rằng cần mở rộng tình trạng khẩn cấp ra các khu vực này do số ca nhiễm mới tại đây đang tăng mạnh. Số ca nhiễm mới tại cả 3 tỉnh nói trên ghi nhận ngày 7/1 đều ở mức cao kỷ lục với Osaka 607 ca, Hyogo 284 ca và Kyoto 143 ca. Dự kiến, chính quyền các tỉnh này sẽ tổ chức những cuộc họp riêng rẽ để đưa ra quyết định cuối cùng.
Trước đó, ngày 7/1, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, gồm Chiba, Kanagawa và Saitama, trong thời gian từ ngày 8/1 đến ngày 7/2. Trên toàn quốc, dịch COVID-19 đang lây lan nhanh. Số ca nhiễm mới tại Nhật Bản ghi nhận ngày 7/1 tại tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay với 7.528 ca. Tại 4 tỉnh, thành nằm trong phạm vi ban bố tình trạng khẩn cấp, số ca nhiễm mới cũng tăng cao kỷ lục, cụ thể Tokyo 2.447 ca, Saitama 460 ca, Chiba 450 ca và Kanagawa 679 ca.
Do số người mắc bệnh liên tục tăng mạnh, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định lùi thời gian nối lại chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go To Travel” tới sau ngày 7/2. Bắt đầu triển khai từ giữa tháng 7/2020, “Go To Travel” đã bị tạm dừng trên toàn quốc từ ngày 28/12. Bên cạnh đó, Chính phủ đang cân nhắc khả năng phạt tới 500.000 yen (hơn 4.800 USD) đối với các cơ sở kinh doanh không tuân thủ yêu cầu tạm ngừng hoạt động của chính quyền. Nội dung này có thể sẽ được đưa vào dự thảo luật sửa đổi về các biện pháp đặc biệt chống dịch COVID-19 sẽ trình lên Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Luật hiện hành không quy định hình phạt đối với các cở sở kinh doanh không tuân thủ yêu cầu tạm ngừng hoặc rút ngắn thời gian hoạt động của chính quyền.