Tấc đất tấc vàng!
Dự án sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) có quy mô 5.000ha, với công thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Thời điểm dự án chưa được phê duyệt, giá đất chỉ khoảng 300 triệu đồng/sào. Vài năm sau, khu vực này đã tăng 10 lần, tương đương hàng tỷ đồng/sào đất, và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa khi dự án chính thức được khởi công xây dựng (5/1).
Cụ thể, năm 2018, giá đất chỉ dao động từ 8 - 15 triệu đồng/m2 thì năm 2019 đã tăng lên 15 - 30 triệu đồng/m2. Sang đầu năm 2020, giá đất neo ở mức 18 - 36 triệu đồng/m2 và đến thời điểm này khi sân bay quốc tế Long Thành đã chính thức khởi công, giá đất đã tăng dựng đứng 15 - 25% so với cuối năm 2019.
Theo ghi nhận ở huyện Long Thành, giá đất thuộc các xã Lộc An và Bàu Cạn hiện có giữ mức cao nhất khu vực, trung bình từ 5 - 6 tỷ đồng/sào (năm 2019 chỉ khoảng 3,5 tỷ đồng/sào). Riêng những khu đất có vị trí đẹp, gần mặt tiền đường lớn, giá bị đẩy lên tận 6,5 - 7 tỷ đồng/sào.
Tương tự, đất ở ấp An Viễn, xã Bình An hồi đầu năm 2020 giao dịch thành công với giá 2 tỷ đồng/sào thì hiện tại đã tăng gấp đôi khoảng 4 tỷ đồng/sao. Không thua kém, tại xã Phước Bình giá đất cũng đang tăng mạnh.
Chia sẻ với PV, chị N.T.K.N. một hộ dân tại đây cho biết, hồi tháng 8/2019, gia đình chị bán 5 sào đất chỉ với giá hơn 5 tỷ đồng. Nhưng chưa đầy 7 tháng sau (tháng 3/2020) chủ mới đã bán cho người khác với giá hơn 9 tỷ đồng/5 sào.
“Ngày xưa đất đai xung quanh khu vực dự án sân bay Long Thành đều là đất cỏ, đồng không mông quạnh nên giá rất rẻ, chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/m2. Từ khi có thông tin dự án thì giá đất mới tăng, nay dự án đã khởi công thì không biết giá đất sẽ còn tăng đến mức nào. Gia đình nào giữ đất được đến giờ này thì xem như tấc đất tấc vàng”, chị N.T.K.N. nói.
Anh Đ.X.D. (ngụ Phạm Văn Chí, quận 6, TP Hồ Chí Minh), một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản, cho biết trước đây anh đã từng chứng kiến cơn sốt bất động sản tại Phú Quốc, Cam Ranh khi sân bay được xây dựng và đi vào hoạt động. Tương tự tại Long Thành, khi sân bay được đưa vào hoạt động năm 2025 thì giá bất động sản khu vực sẽ tăng gấp hàng trăm lần. Lúc này, thời điểm mức giá còn mềm thì đây là cơ hội để đầu tư đón lợi nhuận trong thời gian tới.
Còn chị N.T.H., một nhà đầu tư khác cũng ngụ tại TP Hồ Chí Minh nhận định, vì sân bay đã chính thức khởi công nên bất động sản khu vực sẽ càng sôi động hơn trong thời gian tới: “Nhân cơ hội này, tôi đã quyết định tìm kiếm một vài sản phẩm để đầu tư, đón lợi nhuận ngay khi sân bay Long Thành hình thành”, chị H. chia sẻ.
“Rót vốn” đúng chỗ
Theo nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, với đà tăng này, giá đất Long Thành được dự báo có khả năng ngang bằng Thủ Đức, quận 9 hay Biên Hòa khi sân bay quốc tế Long Thành khai thác giai đoạn 1.
Dù mang lại tỷ suất sinh lợi hấp dẫn nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo nhà đầu tư thận trọng khi quyết định “xuống tiền” đầu tư vào dự án tại Long Thành.
Theo đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng khi bắt tay triển khai dự án, tiến độ xây dựng hạ tầng, xây dựng nhà ga giai đoạn 1 sẽ được triển khai nhanh chóng, đồng nghĩa với việc giá đất sẽ tăng cao. Tuy nhiên, quá trình xây dựng sân bay Long Thành cũng cần có độ trễ, chưa thể triển khai một cách thần tốc. Hơn nữa, để hiện thực hóa các dự án bất động sản phải mất thời gian ít nhất 3 năm, 5 năm, 7 năm, hoặc thậm chí 10 năm…
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, quỹ đất xung quanh khu vực sân bay Long Thành hiện nay rất lớn, việc mua đất nông nghiệp nhà đầu tư cần phải cân nhắc không thể lướt sóng kiếm lời mà phải đầu tư ít nhất 3 - 5 năm. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần cẩn trọng về pháp lý và các yếu tố thị trường để tránh rủi ro.
Cụ thể, nên xem xét những dự án được phát bởi những chủ đầu tư có thương hiệu uy tín, quy hoạch bài bản, hạ tầng đầu tư chỉn chu, pháp lý rõ ràng. Đặc biệt là giá bán sản phẩm hợp lý hoặc có nhiều chính sách hỗ trợ để có thể vừa giúp nhà đầu tư giảm chi phí vốn ban đầu vừa tối ưu hóa lợi nhuận khi “ra” hàng.
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành phân tích, nhiều năm qua sân bay Long Thành là câu chuyện về ý tưởng và triển khai ý tưởng. Ý tưởng này đã có cách đây 26, 27 năm, nhưng đến nay mới được hiện thực hóa.
“Ý tưởng phát triển là đúng, nhưng để làm được thì cần rất nhiều yếu tố. Xét về góc độ đầu tư bất động sản thì Long Thành rất hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là một bài toán rất lớn, cần sự vào cuộc của tỉnh, trung ương và các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, để hạn chế rủi ro, người dân cần cẩn thận, xem xét kỹ tính pháp lý của các nền đất hoặc dự án mở bán để tránh “tiền mất tật mang”, vị chuyên gia khẳng định.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển (CBRE) cũng nhận định, tại Long Thành hiện có nhiều dự án quy mô từ vài chục đến vài trăm ha bắt đầu triển khai. Trong đó, hơn 90% lượng khách hàng mua dự án khu vực này đều là nhà đầu tư từ TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhà đầu cơ tham gia quá nhiều, dễ xảy ra khả năng sốt ảo như đã từng xảy ra tại quận 9, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh).
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, để tránh những cơn sốt ảo, cần có sự can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương, đặc biệt thông tin quy hoạch phải rõ ràng. Những thông tin về xây dựng hạ tầng giao thông, sân bay, dự án phát triển kinh tế… phải được minh bạch, chính xác và có lộ trình rõ ràng để người dân dễ dàng nắm được.