Theo đơn cầu cứu của gia đình, tôi đến thăm Tôn Tích Chiến hai lần, một lần lúc em đang nằm điều trị tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình của tỉnh Nghệ An và lần sau đó khi em được đưa về điều trị tại nhà.
Tương lai khép lại vì biến cố
Lần nào cũng vậy, cậu thanh niên ngoài 20 với gương mặt khôi ngô, tuấn tú nằm bất động trên giường không giấu nổi sự bất lực và tâm trạng ủ dột. Đôi mắt lúc đờ đẫn nhìn vào không trung, lúc nhắm nghiền, giọt nước mắt cứ ứa ra rồi đọng lại nơi khóe mắt.
Cậu gần như suy sụp hoàn toàn kể từ sau tai nạn lao động diễn ra hồi tháng 8. Sinh năm 1995, Chiến là trụ cột trong một gia đình nghèo mà cả bố và mẹ đều ốm yếu, bệnh tật, sức lao động suy giảm, các em còn chưa trưởng thành.
Gia đình khánh kiệt, việc điều trị phục hồi cho Chiến trong bệnh viện cũng là gánh nặng quá lớn...
"Cả đời tôi làm ăn lương thiện, chưa làm gì ác với ai, chưa khi nào sống trái lương tâm mà đến cuối đời phải chứng kiến con cái thế này. Nó còn trẻ, còn sức khỏe, còn tương lai, còn phải lập gia đình, cưới vợ sinh con… mà bây giờ… bây giờ nó nằm đó, không đi lại được, không biết ngày mai thế nào. Khổ lắm…" - bà Trần Thị Huệ, mẹ của Chiến trải lòng, giọng lạc đi vì tủi.
Bà kể, thời gian trước, Chiến vào tận miền nam để mưu sinh kiếm sống, lăn lộn công này việc khác, mỗi tháng cũng dành dụm được một khoản tiền gửi về cho cha mẹ để nuôi các em ăn học. Đến giữa năm nay thì Chiến ra Ninh Bình làm công nhân.
Trong lúc nhận hàn xì, bắn mái tôn cho một xưởng cơ khí thì cậu bị tai nạn lao động, rơi từ nóc nhà xuống với độ cao khoảng 20m, chấn thương rất nặng: tràn dịch màng phổi, dập gan và thận, gãy 6 đốt sống lưng cùng 3 xương sườn, hai tay cũng bị gãy, hai chân chết lâm sàng.
Oái oăm thay, tai nạn xảy ra khi Chiến mới chỉ đi làm 1 tuần và chưa hoàn tất xong hợp đồng lao động, không có bảo hiểm.
Nghe tin con gặp nạn, bà và con gái lớn là Tôn Thị Huyền (năm nay 23 tuổi) vội vã chạy vạy tiền nong ra bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình để gặp con. Tại đây, người chủ cho biết đã chi trả 30 triệu đồng viện phí cho bệnh nhân trong đó có 5 triệu đồng gia đình đóng góp, rồi biến mất.
Thế nhưng, trước khi chuyển Chiến ra bệnh viện Việt Đức để chữa trị tiếp vì diễn biến sức khỏe xấu và phức tạp thì gia đình bà mới hay, trong hóa đơn chi trả cho bệnh viện đa khoa Ninh Bình chỉ thể hiện số tiền đã chi trả chưa tới 5 triệu đồng, chính xác là 4.626.000 đồng.
Lạ nước lạ cái lại không am hiểu về Pháp Luật, bà Huệ chỉ biết ôm con mà khóc, than trời than đất, than cuộc đời sao mà quá bạc bẽo, cạn nghĩa cạn tình…
Bà Huệ khóc cạn nước mắt vì thương con
Chưa thoát được nghèo thì… nghèo hẳn
Nuôi mấy đứa con ăn học đến khi trưởng thành, những mong con có lông có cánh rồi sẽ đỡ khổ hơn, ngờ đâu, nghèo chưa kịp thoát thì gặp họa, mà cái họa này nó lớn quá.
Để chữa trị cho con, bà Huệ cùng chồng là ông Tôn Tích Ngọ đã phải bán hết ngô khoai, lúa, lạc trong nhà, con trâu, con lợn cũng bán. Bán 1 tấn lúa được hơn 7 triệu. Có 30 triệu đồng vừa vay chính sách những tưởng để sửa lại cái nhà cho bớt dột nát để thoát nghèo, chưa kịp dùng thì cũng đã phải dùng lo liệu thuốc thang, viện phí.
Mà căn nhà cũng không biết còn giữ được bao lâu, vì bà đã mang sổ đỏ mang ra ngân hàng để thế chấp vay 100 triệu… Đến cả 5 chỉ vàng con gái lớn suốt mấy năm tích góp đưa cha mẹ làm của hồi môn sau này cưới chồng, bà cũng đứt ruột bán đi, mà vẫn chưa đủ… Không còn một thứ gì trong nhà để bán, gia đình bà lại phải vay nóng tới 30 triệu đồng nữa.
Vậy là, tổng nợ tới 160 triệu, nợ phải trả trong 1 năm là 130 triệu, khoản 30 triệu thoát nghèo kia trả trong 5 năm. Trong đó, nợ vay ngân hàng 100 triệu đồng trong 1 năm có lãi suất 9,5%, lãi suất quá hạn hơn 12%.
Những con số nợ như tảng đá lớn đè nặng tâm trí ông Ngọ, bà Huệ suốt mấy tháng trời đằng đẵng. Đời ông bà nghèo khó nhưng cũng chưa bao giờ phải đối diện với những khoản nợ hàng chục triệu, lên cả trăm triệu đồng như thế. Rồi đây biết lấy gì mà trả…
Căn nhà tồi tàn, trống huếch, trống hoác, không có nổi thứ gì để bán được
"Cha mẹ gả con đi lấy tiền trả nợ, cứu anh…"
Ông Ngọ đêm đêm không tài nào ngủ được. Đôi mắt người đàn ông tuổi xế chiều cứ dại cả đi. Trong căn nhà dột nát, ông bần thần nhìn ra mảnh vườn xơ xác, không biết đời các con sẽ về đâu. Đôi tay run run, mỗi lúc lại ghì lên trán, bất lực. Sức già tàn tạ lại đau yếu thường xuyên, ông biết làm được gì ở mảnh đất này để kiếm đủ tiền trả nợ, rồi lo con.
Ông Ngọ suốt mấy tháng trời không đêm nào chợp mắt nổi, thương đứa út còn nhỏ, bế tắc không biết ngày mai ra sao
Ông bà có 4 đứa con, trong khi cái Huyền theo mẹ đi chăm sóc ở viện thì đứa con gái thứ ba là Tôn Thị Lương mới 17 tuổi cũng quyết định ngừng việc học để đi xuống Vinh kiếm công việc rửa bát, nhặt rau, mỗi tháng kiếm thêm được 2 triệu đồng. Ông Ngọ ở nhà chăm con gà, con lợn, lo cho đứa út Tôn Bảo Tâm mới 7 tuổi cái ăn, cái học hàng ngày.
Đợt dịch Covid vừa rồi, công việc khó khăn, cái Huyền cũng không còn việc. Chưa kịp kiếm việc mới thì anh trai nhập viện nên Huyền phải vào viện chăm anh cùng mẹ. Con bé nhanh nhẹn, lanh lợi nhưng suốt mấy tháng trời rút máu truyền cho anh nên cũng tái xanh.
"Em cũng sốt ruột lắm chị ạ, phải đi làm mới có tiền lo cho anh, trả nợ cho cha mẹ. Nhưng mà, bây giờ kiếm việc khó quá. Rồi những lần anh ở viện, phải vệ sinh, tắm rửa… một mình mẹ không làm được. Mà mẹ em bị huyết áp cao, mấy lần ngất xỉu rồi, để mẹ một mình như thế em cũng không yên tâm được", Huyền nói với tôi.
Giờ căn nhà sáu người - hai ông bà với bốn đứa con mà gần như chỉ có hai chị em Huyền, Lương là còn có thể lao động.
"Cái Lương vừa rồi nó bảo muốn lấy chồng chị ạ. Nó bảo bố mẹ gả nó đi, rồi lấy tiền mừng chắc cũng được vài chục triệu mà trả nợ", Huyền rơm rớm nước mắt kể. "Con bé này ngốc quá, nó cứ nghĩ làm đám cưới để lấy tiền mừng trả nợ, nhưng tiền làm đám cưới lấy đâu ra? Mà cha mẹ em bảo, làm vậy khác gì bán con! Anh Chiến con trai, nhưng cha mẹ nói con trai hay con gái cũng là con, không bán đứa này lo đứa kia được. Nghe nó nói vậy, cha mẹ cũng đau lòng lắm".
Cô bé Lương 17 tuổi đang dang dở việc học hành, đã trĩu nặng trách nhiệm và nỗi lo về cuộc đời
Nói đoạn, Huyền đưa cho tôi xem ảnh em gái đang nhặt rau, rửa bát, rồi bảo: "Chị xem, bây giờ 2 triệu mỗi tháng của nó lại là nguồn thu nhập chính trong nhà". Đôi bàn tay Huyền cứ siết vào nhau, rồi không cầm được nước mắt, Huyền bật khóc.
Từ bệnh viện Việt Đức trở về quê điều trị phục hồi tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An, Chiến có tiên lượng tốt hơn, nhưng đối với gia đình bà Huệ, mỗi ngày con nằm trong viện là một ngày bán thóc giống ra ăn, mà nay đến thóc giống cũng không còn nữa. Kiệt quệ. Quẫn bách.
Suốt mấy tháng chăm con, đến chiếc bỉm rẻ tiền nhất cũng trở nên dần quá sức với bà Huệ
Tại đây, bác sĩ Tăng Thị Hòa (BV Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An) cho biết, bệnh nhân Tôn Tích Chiến sau thời gian chữa trị hiện vẫn đang bị liệt hai chi dưới, cứng khớp khủyu tay bên phải. Chiến có khả năng hồi phục, cơ lực ở hai chân đang cải thiện nhưng vẫn phải điều trị lâu dài ở bệnh viện. Trong trường hợp tiến triển tích cực thì trong khoảng nửa năm sẽ có thể cử động, di chuyển được với sự trợ giúp.
Tuy nhiên, do thương tật có liên quan đến tủy sống, các hoạt động đại tiểu tiện khó khăn nên một người năm tại chỗ kéo thêm 2 người chăm, nghĩa là đã mất đi 3 lao động trong nhà.
"Gia đình bệnh nhân mất khoản thu do không có lao động, lại thêm các khoản chi phát sinh trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ở viện, nên rất khó khăn", bác sĩ Hòa thông tin.
Bây giờ đã là những ngày cuối năm. Nếu không có tai nạn đó thì biết đâu Tết năm nay mấy anh em Chiến đã giúp cha mẹ sửa lại nhà đỡ dột nát. Nhưng cuộc đời lại không có chữ "nếu", nên căn nhà vẫn vậy, Chiến nằm một chỗ, đến việc lo những bịch bỉm rẻ tiền cho cậu nay cũng trở thành gánh nặng cho ông Ngọ, bà Huệ và các em.
Đôi mắt Chiến vẫn đờ đẫn nhìn vào không trung như vậy. Giọt nước mắt nóng hổi còn đọng nơi khóe mắt, không thể lăn xuống…