Huyền thoại hang Tám Cô
Hang Tám Cô có tên gọi từ trước năm 1972, vốn dĩ là một hang đá. Vì cách hang khoảng 30m có một trạm giao liên nên hang đá này đã trở thành nơi ăn ở sinh hoạt của các thanh niên xung phong (TNXP). Mỗi đợt có 8 người thay nhau tiếp quản trạm giao liên.
Tương truyền, cái tên hang Tám Cô có từ khi 8 cô gái đến đây nhận việc, tính tình hiền lành, vui vẻ nên người dân yêu quý đặt luôn cho tên hang động này là hang Tám Cô. Cứ khoảng 2, 3 năm lại thay đổi “nhân sự” một lần, các cô gái ấy ra đi nhưng cái tên của hang vẫn mang dấu ấn của những người con gái TNXP. Sau chiều định mệnh 14/11/1972, 8 người hy sinh gồm 4 nữ, 4 nam nhưng nấm mồ chung ấy vẫn được gọi bằng tên cũ: Hang Tám Cô.
Hang Tám Cô nằm trên đỉnh Trường Sơn. Đường 20 - Quyết Thắng nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn được mở ngang qua địa danh lịch sử này để chi viện vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam. Năm 1965, lực lượng vận chuyển bằng xe cơ giới Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn theo đường 12A qua Tây Trường Sơn thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt tại túi nước Xiêng Phan (Lào).
Đoạn từ Pắc Pha Năng đến bản Na Nô- Na Nhom ngập sâu trên 6m vào mùa mưa khiến hàng trăm xe ô tô bị ùn tắc, trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ. Cần phải có một tuyến đường khác từ Đông Trường Sơn qua Tây Trường Sơn đến Lùm Bùm (thuộc tả ngạn Noọng Cà Đen) kết nối với đường 128 rồi nhập vào Đường 9, chi viện cho chiến trường miền Nam. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định mở một con đường mới tránh túi nước Xiêng Phan.
Với hai hướng chính Đông Tây, con đường được khởi công đúng ngày 30 Tết Bính Ngọ năm 1966, huy động trên 4.800 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Sau 77 ngày đêm lao động khẩn trương, con đường ngang Trường Sơn hoàn thành, chiều dài 125km khởi điểm từ thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) và điểm cuối tại ngã ba Lùm Bùm.
Phát hiện đường 20 là một trong những tuyến giao thông huyết mạch thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam, từ năm 1965 đến năm 1972, đế quốc Mỹ điên cuồng dội bom đánh phá hủy diệt. Mỗi cung đường, địa danh trở thành một tọa độ lửa như: Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phulanhic, ngầm Trạ Ang, Km14, Km 16, phà Xuân Sơn, phà Nguyễn Văn Trỗi... trong đó cua chữ A thuộc trọng điểm ATP (gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phulanhic) là 1 trong số 42 điểm địch đánh phá ác liệt nhất trên 16.000km mạng lưới đường mòn Hồ Chí Minh. Song với khẩu hiệu "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm", hàng vạn bộ đội, TNXP, dân công... “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết bám trụ trên tuyến lửa.
Trong vòng 7 năm khói lửa, bom đạn ác liệt, đã có 552 liệt sĩ anh dũng hy sinh, hàng ngàn người khác mang thương tích suốt đời, dệt nên những huyền thoại bất tử trên đường 20- Quyết Thắng. Một trong những huyền thoại bất tử đó là sự hy sinh của 8 TNXP tại hang đá ở Km 16+200. Lịch sử ghi lại, ngày 14/11/1972, 8 TNXP thuộc Đại đội 217, Đội TNXP 25, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 trong lúc làm nhiệm vụ mở đường tại Km16+200 trên tuyến Đường 20 - Quyết Thắng thì bất ngờ máy bay B52 của Mỹ lao tới oanh tạc. 8 TNXP đã chạy vào một hang động gần đó để tránh bom thì bất ngờ bị một tảng đá nặng hàng ngàn tấn trúng bom rơi xuống bịt kín cửa hang.
Tất cả đã hy sinh sau nhiều ngày không có lương thực và nước uống. Cả 8 người hy sinh đều ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, gồm: Nguyễn Văn Huệ (SN 1952), Nguyễn Văn Phương (SN 1954), Trần Thị Tơ (SN 1954, cùng ngụ xã Hoằng Trường); Nguyễn Mậu Kỹ (SN 1953, ngụ xã Hoằng Đạt); Hoàng Văn Vụ (SN 1953, ngụ xã Hoằng Hà); Lê Thị Mai (SN 1952), Lê Thị Lương (SN 1953, cùng ngụ xã Hoằng Thịnh) và Đỗ Thị Loan (SN 1952, ngụ xã Hoằng Ngọc).
Những sự trùng lặp lạ kỳ
Buồng chuối nở 8 nải trước cửa hang Tám Cô
Ngày 22/3/1996, lực lượng tìm kiếm đã nổ quả mìn đầu tiên phá hòn đá lớn chắn cửa hang. Gần 2 tháng sau, ngày 11/5/1996, phát hiện thấy bộ hài cốt đầu tiên được xác định là của liệt sĩ Hoàng Văn Vụ và một cụm xương, tóc, răng cùng một số kỷ vật. Do liệt sĩ Hoàng Văn Vụ là người Công giáo, có đeo tượng thánh giá trên cổ, khi phát hiện vẫn còn nên hài cốt của anh được để riêng. 7 tiểu sành khác tách từ cụm di vật được cho là hài cốt 7 thanh niên xung phong còn lại và không xác định được cụ thể tên tuổi từng liệt sĩ. Ngày 4/6/1996, tỉnh Quảng Bình đã làm lễ bàn giao, đưa tiễn 8 liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà huyện Hoằng Hóa. Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hang Tám Cô kết thúc. Tại cửa hang một nhà bia tưởng niệm được xây dựng để tri ân 8 liệt sĩ.
Suốt nhiều năm nay, dưới cánh rừng già u tịch, ngôi đền nhỏ thờ 8 thanh niên xung phong hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ đã tồn tại rất nhiều chuyện lạ kỳ, không ai có thể giải thích được. Những câu chuyện kể nơi hang 8 TNXP và Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đường 20 - Quyết Thắng mang nặng yếu tố tâm linh và đều gắn liền với con số 8: Binh trạm 14 phụ trách đường 20 trong kháng chiến chống Mỹ có 8 tập thể và 8 cá nhân được tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân; tiểu đội nữ 8 TNXP phụ trách đoạn đường qua trọng điểm km16 trước đây nay để lại địa danh hang Tám TNXP; 8 liệt sĩ cùng chung quê quán Hoằng Hóa, nhập ngũ cùng đợt, mất cùng nơi, cùng một lần...
Anh Nguyễn Tứ Vỵ - Trưởng ban quản lý Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Đường 20 - Quyết Thắng là người gắn bó với vùng đất thiêng từ nhiều năm nay nhớ lại rất nhiều câu chuyện mang tính trùng lặp lạ kỳ tại hang Tám Cô. Đầu tiên là chuyện cây chuối rừng mọc ở cửa hang, trổ buồng ra liền 8 nải đúng vào dịp cả nước long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại (9/2009). Lạ kỳ ở chỗ, các nải chuối tiếp theo khi đơm quả thì đều héo rũ và rụng xuống, chỉ còn lại 8 nải mập mạp, luôn xanh mướt, đậu trên buồng. Chứng kiến hiện tượng lạ lùng đó, mọi người giải thích, sở dĩ chuối không chín là bởi các o, các anh hy sinh trong hang khi tuổi còn xanh.
Cũng trong dịp đó, bên trong nhà thờ hang Tám Cô có một đôi tắc kè từ rừng già đến trú ẩn đã khá lâu, bỗng nhiên đẻ trứng, sinh con. Ổ trứng tắc kè dính chặt vào tường ở ngay gian giữa đền thờ. Và một điều kỳ lạ tiếp tục xảy ra, đôi tắc kè ấy đẻ đúng con số 8 quả trứng thì dừng lại. Sau vài tháng dính chặt trên tường, 8 quả trứng đó nở ra 8 chú tắc kè con, chẳng hỏng quả nào. Rồi vào đêm lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại, trong khi đông đảo khách thập phương về dự đang lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại trên tuyến rừng Trường Sơn này thì bất ngờ từ trong hang, những tiếng “tắc kè, tắc kè” vang lên trong vắt. Nhưng điều khó thể tin được, những âm thanh dứt khoát, dõng dạc ấy phát ra đúng 8 lần rồi im bặt. Nhiều người dự lễ đêm ấy đã không cầm được nước mắt...
Nói về những chuyện khó tin xảy ra ở hang Tám Cô, mỗi người đều có một cách giải thích của riêng mình, có những chuyện thì do trùng hợp ngẫu nhiên nhưng cũng có chuyện thì không ai có thể giải thích nổi. Hang Tám Cô ngoài câu chuyện về sự hy sinh anh dũng là một bản tráng ca oai hùng, một di tích lịch sử đặc biệt để tưởng niệm, tri ân còn mang một ý niệm khác về chốn linh thiêng, nhắc nhở các thế hệ muôn đời sau, về sự hy sinh, tinh thần bất diệt của cha ông thời lửa đạn.