Sharbat Gula được thế giới biết đến với cái tên "Cô gái Afghanistan" hay "nàng Mona Lisa thế kỷ 21". Đôi mắt xanh lục đầy hoang dại đã khiến Sharbat trở nên nổi tiếng khi bức chân dung của cô xuất hiện trên trang bìa tạp chí National Geographic vào tháng 6/1985.
Thời điểm đó, Sharbat 12 tuổi và là trẻ mồ côi đã cùng bà và các anh chị em đi bộ tới Pakistan giữa lúc Afghanistan hỗn loạn.
Bức chân dung về Sharbat được nhiếp ảnh gia Steve McCurry ghi lại trong một trại tị nạn, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới cho đến ngày hôm nay. Tháng 10 vừa qua, bức chân dung đã được bán với giá 70.000 USD trong một cuộc đấu giá ở Ba Lan.
“Cô gái Afghanistan” trở thành biểu tượng khi hàm chứa số phận của hàng nghìn người tị nạn Afghanistan đã phải rời bỏ quê hương giống như Sharbat.
Trong nhiều thập kỷ qua, giá trị của "Cô gái Afghanistan" dường như không thay đổi nhưng cuộc đời của nguyên bản Sharbat Gula, hiện 47 tuổi, lại không ngừng biến động.
Giống vô số những người tị nạn khác, con đường để trở về quê hương và ổn định cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng với Sharbat.
Trở về
Sharbat chạy trốn khỏi nơi mình sinh ra vì chiến tranh và phải lưu lạc ở Pakistan hơn 30 năm.
Cuối năm 2016, Sharbat bị bắt vì sử dụng chứng minh thư Pakistan giả - một thực tế phổ biến với 1 triệu người tị nạn Afghanistan sống ở đất nước này mà không có tư cách pháp nhân. Cô phải đối mặt với 14 năm tù và khoản tiền phạt 5.000 USD .
Vào thời điểm đó, Sharbat đang một mình nuôi 4 đứa con và mắc viêm gan C, căn bệnh đã giết chết chồng cô nhiều năm trước.
Sau khi bị giam hai tuần, Sharbat đã được thả và trục xuất về Afghanistan cùng các con. Nói với AFP, người mẹ 4 con cho biết cô “đau lòng” khi nghĩ đến viễn cảnh trở về quê sau hàng thập kỷ xa cách.
“Afghanistan chỉ là nơi tôi sinh ra còn Pakistan là quê hương của tôi và tôi luôn coi đó như đất nước của mình. Tôi chán nản nhưng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi”.
Chỉ tính riêng trong năm 2016, đã có 370.000 người tị nạn đăng ký ở Pakistan phải trở về Afghanistan. Hàng chục nghìn người khác đã được đưa về từ Iran và châu Âu trong những năm gần đây, thường là bằng cách cưỡng bức hoặc trục xuất. Tuy nhiên con số này không bao gồm những người tị nạn chưa đăng ký như Sharbat.
Sharbat bị trục xuất về Afghanistan vào năm 2017. Ảnh: Reuters, EPA.
Heather Barr, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), người đã làm việc tại Afghanistan 10 năm, cho biết: “Sharbat Gula là một biểu tượng đối với người Afghanistan và cả Pakistan. Cách cô ấy diễu hành trước giới truyền thông của Pakistan giống như sự sỉ nhục đối với chính phủ Afghanistan.
Đáp lại, chính phủ Afghanistan phải phô trương sự chào đón của họ khi cô ấy trở lại để khẳng định họ có thể lo liệu cho người dân của mình”.
Thực tế, khi về nước năm 2017, Sharbat đã được chào đón bởi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani.
“Tôi chào mừng cô ấy trở về với quê hương đất mẹ. Tôi đã nói nhiều lần và vẫn muốn lặp lại một lần nữa, rằng đất nước của chúng ta chưa hoàn thiện cho đến khi chúng ta tiếp nhận tất cả những người tị nạn trở về”, ông Ghani nói trong một buổi lễ nhỏ.
Chính phủ Afghanistan đã trao tặng cho mẹ con Sharbat một ngôi nhà và cam kết hỗ trợ họ phí sinh hoạt 700 USD /tháng. Ông Ghani còn đảm bảo các con của Sharbat sẽ được chăm sóc y tế và đến trường.
Nhưng vào tháng 9/2017, Niamat Gul, cháu trai của chồng quá cố Sharbat, phàn nàn với truyền thông Afghanistan rằng chính phủ đã không trả tiền thuê nhà cho họ.
Trong khi đó, Nangyal, người phát ngôn của chính phủ, cho biết tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt đã được thanh toán kể từ khi Sharbat trở lại Afghanistan.
Khi yêu cầu một nơi ở truyền thống hơn, cô ấy đã được chuyển đến một căn nhà cho thuê gần dinh tổng thống cho đến khi có thể mua được một ngôi nhà kiên cố.
Ngôi nhà mới có an ninh nhưng gia đình Sharbat luôn phải thận trọng với những người xung quanh. Gul giải thích rằng sự chú ý mà Sharbat nhận được kể từ khi xuất hiện trên trang bìa của National Geographic khiến cô ấy có thể gặp rủi ro từ người Afghanistan bảo thủ - những người không chấp nhận phụ nữ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Tìm lại danh tính
Danh tính thật của “Cô gái Afghanistan” từng là một bí ẩn cho đến năm 2002, khi nhiếp ảnh gia Steve McCurry trở lại và lần theo dấu vết của cô ở vùng núi biên giới Afghanistan-Pakistan.
Nhiếp ảnh gia Steve McCurry và tác phẩm "Cô gái Afghanistan". Ảnh: AFP.c
Các nhà phân tích pháp y và nhận dạng khuôn mặt đã khẳng định Sharbat Gula chính là “Cô gái Afghanistan”. Năm 30 tuổi, Sharbat lần thứ hai xuất hiện trên trang bìa của National Geographic. Dù ngoại hình có nhiều thay đổi, đôi mắt xanh biếc đầy cuốn hút của Sharbat dường như không khác biệt so với 20 năm trước.
Lần thứ hai xuất hiện, Sharbat Gula đã kết hôn và có 3 con. Nhưng cô vẫn không hề biết rằng khuôn mặt của mình đã được cả thế giới biết đến. Lúc đó, Sharbat nói với McCurry rằng cô chỉ hy vọng những đứa con gái của mình có thể có được hưởng nền giáo dục mà bản thân không bao giờ có.
“Bây giờ chúng sẽ có cơ hội. Các con gái của cô ấy sẽ đăng ký đi học”, một thành viên trong gia đình Sharbat cho biết.
Lần thứ hai Sharbat Gula xuất hiện trên trang bìa tạp chí National Geographic vào năm 2002. Ảnh: National Geographic.
Chính phủ Afghanistan thậm chí khuyến khích Sharbat mở rộng ước mơ của mình. Nangyal, người phát ngôn của chính phủ, đã gợi ý cô thành lập một tổ chức để giáo dục và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là những người hồi hương.
“Thông điệp của tôi gửi đến tất cả chị em của mình là đừng để con gái họ kết hôn quá sớm. Hãy để chúng hoàn thành chương trình học giống như nam giới cùng tuổi”, Sharbat nói với BBC.
Ở Afghanistan, chỉ một nửa trẻ em gái được đến trường, phần lớn bỏ học trong độ tuổi 12-15. Ở các vùng nông thôn, số lượng trẻ em gái đến trường ngày càng ít.
Phụ nữ và trẻ em gái trở về từ nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn hơn. Họ có thể bị phân biệt đối xử, bị coi là “vô đạo đức hoặc không đứng đắn” vì sinh ra, lớn lên ở nước ngoài.
Manizha Naderi, giám đốc điều hành của tổ chức Women for Afghan Women, cho rằng khi người Afghanistan trở về quê một cách ồ ạt, nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị lạm dụng, quấּy rốּi sẽ cao hơn.
"Khi Sharbat trở về nước và được chào đón nồng nhiệt thì hàng nghìn phụ nữ Afghanistan khác đang bị cưỡng bức trở về mà không có gia đình, nhà cửa, công việc hoặc khả năng có được cuộc sống ổn định, an toàn", bà Manizha nói.