Mới đây, Ngân hàng (NH) Nhà nước lần thứ ba giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng chín tháng với tổng mức giảm 1,5-2 điểm phần trăm. Mục tiêu nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp (DN) và người dân.
Thế nhưng tính đến cuối tháng 9 vừa qua, tăng trưởng tín dụng toàn bộ nền kinh tế mới chỉ đạt hơn 6%, trong khi mục tiêu cả năm nay là 14%. Điều này cho thấy các NH đang thừa nhiều tiền, trong khi DN than thở khó tiếp cận vốn, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh.
Muốn vay phục hồi kinh doanh nhưng không được
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo cho biết thanh khoản hệ thống NH vẫn tiếp tục dồi dào trong cả quý III vừa qua, nhờ nguồn cung vốn VND tăng qua hoạt mua ròng ngoại tệ của NH Nhà nước và cầu vốn tăng chậm.
“Hiện nay, dù dịch bệnh đã được kiểm soát và thị trường bước vào quý cuối năm, thường là cao điểm về nhu cầu vốn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn yếu và thấp hơn khoảng 2% so với tăng trưởng huy động. Với xu hướng này, tiền đồng vẫn tiếp tục dư thừa trong hệ thống các NH” - Bản Việt nhận định.
Trong khi các NH dư tiền thì nhiều nhà kinh doanh cho hay đang thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh mùa cuối năm, nghĩa là DN và NH vẫn chưa “gặp nhau”. Ông Vũ Anh, chủ một công ty du lịch tư nhân tại Đà Lạt, kể cách đây khoảng một tháng, ông liên hệ với một NH để vay vốn nhằm mục đích khôi phục hoạt động du lịch sau dịch. Thế nhưng NH từ chối phê duyệt khoản vay cho dù ông dùng cả tài sản là bất động sản để thế chấp.
“NH giải thích rằng: Dù tôi có tài sản đảm bảo nhưng nhận thấy hoạt động du lịch trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn nên các khoản vay mới đối với khách hàng kinh doanh trong lĩnh vực này khó được đáp ứng” - ông Vũ Anh ngao ngán.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, phân tích: Việc NH thừa tiền trong khi nhà kinh doanh thiếu vốn đến chủ yếu từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, dù lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên và lĩnh vực thông thường có giảm nhưng điều kiện cho vay thì không hề được nới lỏng, nghĩa là được áp dụng như trong điều kiện bình thường chứ không đặt trong bối cảnh dịch bệnh.
Ví dụ, DN muốn vay vẫn phải có tài sản thế chấp, có báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh khả thi... Trong khi đó, do ảnh hưởng COVID-19, khả năng trả nợ của giới kinh doanh khó hơn thì làm sao “có hồ sơ sạch đẹp” để NH cho mình vay. Chính vì vậy, các DN vốn đã chật vật nay càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là những công ty khởi nghiệp, nhỏ và siêu nhỏ.
“Thứ hai là chỉ khi nào nhu cầu tiêu dùng trong thị trường tăng lên thì khi đó nhiều công ty mới có nhu cầu vay vốn NH. Trong khi đó, hiện nay đầu ra của sản phẩm chưa rõ ràng nên họ cũng không dám đẩy mạnh sản xuất và không dám vay nhiều. Bởi không có phương án kinh doanh tốt thì lấy đâu ra dòng tiền ổn định để trả nợ NH” - ông Hưng nhận định.
Một số DN khác cũng đồng quan điểm và cho rằng hiện tại các NH đang dư thừa thanh khoản, vì lãi suất cho vay còn cao nên DN không dám vay. Chính vì vậy, các NH cần thực sự đồng hành với DN, hạ lãi suất cho vay.
Phía NH Nhà nước cũng cần có sự điều chỉnh chính sách phù hợp với tình thế hiện tại để các NH thương mại có thể yên tâm cho vay. Ví dụ như cơ cấu lại nợ, không chuyển xếp hạng nhóm nợ, giảm bớt mức dự trữ… để giảm chi phí cho NH thương mại, từ đó giúp họ giảm lãi suất cho vay.
Bơm vốn ra nền kinh tế còn chậm
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho hay hiện các NH đang trong tình trạng ứ đọng vốn, cho nên khó có chuyện DN khó tiếp cận vốn được. “Những gói tín dụng hàng ngàn tỉ đồng đã được Agribank đưa ra từ vài tháng trước nhưng vay mới không tăng đáng kể. Thực tế chỉ các công ty có khả năng duy trì được hoạt động kinh doanh, có phương án kinh doanh khả thi thì họ mới có nhu cầu vay vốn nhưng số lượng DN như vậy không nhiều” - bà Phượng cho hay.
Phó tổng giám đốc Agribank cũng khẳng định trong bối cảnh hiện nay, các NH không thiếu nguồn lực. Bằng chứng là thời gian gần đây, lãi suất huy động liên tiếp điều chỉnh giảm. “Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì chúng tôi cũng phải tìm cách hỗ trợ khách hàng và đây cũng là cách để cứu chính mình” - bà Phượng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Sacombank Phan Đình Tuệ chia sẻ: Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của đơn vị đạt 8% và vẫn còn dư khoảng 5,5% nữa. Trong khi đó, khả năng hấp thu nguồn vốn của các DN còn yếu nên chúng tôi không cần phải xin nới thêm room tín dụng nữa.
“Từ ngày 7-10, biểu lãi suất huy động của Sacombank tiếp tục điều chỉnh giảm. Song điều đáng nói nhất là chúng tôi đã giảm tới 0,5%/năm đối với lãi suất cơ sở. Điều này có nghĩa là không chỉ có khách hàng vay mới được hưởng mức lãi suất cho vay thấp hơn trước đây, mà ngay cả khách hàng đang có hợp đồng vay cũ đến kỳ tính lãi tiếp theo họ cũng sẽ được hưởng mức giảm lãi suất cho vay tương ứng 0,5%/năm” - ông Tuệ nhấn mạnh.
Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã ba lần giảm lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, các NH thương mại cũng tuyên bố đã giảm chi phí, giảm các điều kiện để hỗ trợ DN vay với lãi suất thấp hơn. Trên thực tế, vấn đề hỗ trợ thông qua hạ lãi suất, kể cả việc cho vay mới hay các khoản vay cũ đều tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Chủ trương của NH Nhà nước là cố gắng phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. “Việc hạ lãi suất là giải pháp cơ bản, quan trọng cho tín dụng mở rộng. Trong điều kiện dịch được kiểm soát tốt như hiện nay và hoạt động của DN cải thiện, cùng với các chính sách hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu tích cực thì dư nợ tín dụng cả năm nay có thể đạt 8%-10%” - phó thống đốc nhận định.
Giảm lãi suất để đẩy tín dụng ra nền kinh tế
Trung tâm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI dự báo tăng trưởng tín dụng trong quý IV-2020 sẽ tăng tốc mạnh hơn so với ba quý đầu năm, do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức thấp, chỉ quanh mức 10%, trong khi chỉ tiêu cả năm là 14%.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định hiện các NH đang tích cực giảm lãi suất để đẩy tín dụng ra nền kinh tế. Bởi nếu không đẩy mạnh tín dụng về cuối năm để đạt được những mục tiêu cơ bản, rất có thể sang năm các NH sẽ bị NH Nhà nước cắt room tín dụng. Đây là điều mà không NH nào muốn.