Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) gửi tới Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể, cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Theo phương án cải tạo Công ty JVE, doanh nghiệp này sẽ xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ (kè thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay sau đó kè đáy khu vực sát hai bên bờ sông tạo hành lang đi dạo, không kè đáy lòng sông mà để tự nhiên). Giữ nguyên chiều rộng lòng sông, không thu hẹp lòng sông mà để tự nhiên.
Về phần xử lý ô nhiễm bên trong (mùi, bùn đáy, chất ô nhiễm hữu cơ), JVE sử dụng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm nổi váng trên bề mặt, phân hủy tận gốc tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên là các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3(mùi khai), CH4 vv...
Đồng thời, phần xử lý ô nhiễm bên ngoài và cấp nước bổ cập sẽ kết hợp phối hợp đồng bộ với các dự án mà Thành phố đã và đang triển khai như hệ thống thu gom nước thải bằng cống ngầm dưới lòng sông và cấp nước bổ cập trở lại cho sông bằng nước sau xử lý của Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Trao đổi trên báo Tiền phong, TKKH Nghiêm Văn Khải, ủy viên Uỷ ban KHCN và môi trường Quốc hội cho biết: "Ý tưởng xử lý sông Tô Lịch có cách đây hàng chục năm và rất nhiều đề án, có đề án xả nước sông trôi nhưng đề án tôi cho rằng nó chỉ xử lý tạm thời thôi, còn chất thải xả đi đâu, vùng hạ lưu lại gánh chịu”.
Đánh giá công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật, ông Nghiêm Vũ Khải cho hay, đây là giải pháp tiên tiến chủ yếu dựa vào vật liệu thiên nhiên chứ không có hóa chất động hại.
“Tôi đánh giá công nghệ này cao và mang tính tích cực. Trong thí nghiệm lần trước, mùi hôi thối trên sông Tô Lịch giảm đi rõ rệt, nước trong hơn và thậm chí chuyên gia còn ngụm lặn. Nhưng ngay từ lúc thí điểm đó tôi đã nói rằng đây không phải là một “phép màu”, ông nói nói.
Ông Khải cho rằng, xử lý ô nhiễm môi trường cần biện pháp tổng thể, vì đây là hệ quả của hàng chục năm, trăm năm nguồn thải vô cùng phức tạp, từ chất thải độc hại đến chất thải sinh hoạt.
"Xung quanh dọc sông Tô Lịch có hàng trăm, hàng nghìn nguồn xả thải với quy mô ô nhiễm khác nhau. Nên việc sử dụng công nghệ Nhật chỉ là một trong những yếu tố để xử lý ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch. Chúng ta phải có phân vùng, xử lý đầu nguồn, sau đó xử lý trên sông và kết hợp nguồn nước cung cấp, bổ sung cho dòng sông ở mức độ khác nhau trong mùa khô, mùa mưa”, TSKH Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh.
Công ty JVE là ai?
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) có địa chỉ trụ sở chính là tại tầng 31, tòa tháp Đông, Trung tâm Lotte Hà Nội, số 54 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích là Tổng Giám đốc, đồng thời người đại diện theo Pháp Luật.
Tiền thân của JVE Group là Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt được thành lập vào ngày 8/5/2017. Vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng, với tỷ lệ nắm gần như tuyệt đối thuộc về Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Anh (98%) và 2 cá nhân còn lại là Nguyễn Thị Ngọc Bích (1%), Nguyễn Đức Anh (1%).
Đến tháng 4/2020, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE) như hiện tại. Cùng với đó, JVE Group tăng mạnh vốn lên 1.000 tỷ đồng, với 100% là nguồn vốn tư nhân.
Ngày 22/9, JVE đã tổ chức buổi thông tin để chia sẻ về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Tại buổi gặp gỡ này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE, cho biết đề án cải tạo sông Tô lịch thành Công viên Lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch dự kiến tiến hành trong vòng 5 năm.
"Từ năm 2021-2026 chúng tôi sẽ quyết tâm làm xong dự án công viên lịch sử này", ông Tuấn Anh nói.
Cũng theo ông Tuấn Anh, đề án này hoàn toàn xuất phát từ tình cảm của tổng thầu Nhật Bản dành cho Việt Nam, cũng như tình cảm của cá nhân ông sau 15 năm được Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng toàn phần chứ không phải cải tạo sông Tô Lịch để kiếm tiền từ dự án này.
"Nếu để kiếm lợi nhuận thì chúng tôi không chọn địa điểm nhạy cảm như sông Tô Lịch", Chủ tịch HĐQT JVE chia sẻ thêm.
Ngoài ra, cũng theo đại diện JVE, sau khi cải tạo sông Tô Lịch thành công, công ty này sẽ bàn giao lại cho TP Hà Nội. Công ty không thu phí vé vào cổng công viên hay kinh doanh tại địa điểm này. Nếu có kinh doanh du lịch trong lòng sông thì nguồn thu thuộc về thành phố.