Xem Video: Thanh Hóa tái đàn lợn nhanh do chủ động về nguồn giống
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tháng 1/2020, tỉnh đã khống chế hoàn toàn bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tất cả 47 xã, phường, thị trấn có xảy ra bệnh dịch đều đã công bố hết dịch. Từ đó đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, công bố hết dịch, không xuất hiện ổ dịch mới.
Ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân từng bước tái đàn, khôi phục ngành chăn nuôi cũng như bảo đảm cân đối nhu cầu thị trường.
Tính đến tháng 9/2020, Bình Thuận có tổng đàn lợn hơn 350.000 con (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019); trong đó đa số là đàn lợn được chăn nuôi tập trung tại 45 trại chăn nuôi.
Hiện nay, việc tái đàn chủ yếu thực hiện ở các trang trại chăn nuôi của các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam… Các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hướng an toàn sinh học. Riêng các hộ gia đình vẫn đang thực hiện việc tái đàn nhưng thận trọng và cân nhắc vì bệnh dịch tả heo châu Phi do chưa đảm bảo chuồng trại theo hướng an toàn.
Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, do thiệt hại khá lớn trong đợt bệnh dịch vừa qua nên khá nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn tâm lý dè dặt, thận trọng không dám tái đàn.
Bên cạnh đó, số lợn nái của các hộ dân hiện giờ còn rất ít, không đủ sản xuất con giống để tái đàn. Mặt khác, do nguồn vốn hiện có của các hộ chăn nuôi heo không đảm bảo để mua con giống, thức ăn và sửa chữa chuồng trại để tổ chức chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học…
Để hỗ trợ người chăn nuôi trong việc tái đàn, Ủy ban nhân dân đã triển khai việc tái đàn, tăng đàn heo, bảo đảm an toàn sinh học; trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bình Thuận chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh dịch tả lợn châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Đến cuối năm 2020, tỉnh Bình Thuận đặt ra mục tiêu phát triển đàn lợn đạt hơn 292.000 con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 59.000 tấn.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình thực tế chăn nuôi lợn trên địa bàn và thực hiện tốt việc tái đàn, đặc biệt là các địa phương đã có dịch trước đây, không để xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi sau khi tái đàn.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tái đàn phải gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo hệ thống chuồng trại đúng quy trình đồng thời cần chú ý kỹ nguồn gốc con giống… Đồng thời khuyến khích các hộ dân chuyển mạnh chăn nuôi sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh.
Cùng với việc triển khai xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên động vật, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện xây dựng vùng, chuỗi cơ sở sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới để xuất khẩu thịt lợn.