Khởi công vở cải lương kết hợp xiếc

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vở diễn “Cây gậy thần“ được Nhà hát Cải lương kết hợp Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng.
Khởi công vở cải lương kết hợp xiếc
Nghệ sĩ xiếc biểu diễn tại lễ khởi công. Ảnh: Hiểu Nhân.

Tác phẩm do cố tác giả Hoàng Luyện viết kịch bản, được con rể ông - tác giả Lê Thế Song - chỉnh lý, kể về mối duyên của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Đức thánh Chử Đồng Tử là một trong "Tứ bất tử", tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, giàu sang.

Ông Tống Toàn Thắng - Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - cho biết nghệ sĩ cải lương truyền tải nội dung, còn nghệ sĩ xiếc sẽ biểu diễn minh họa lời ca, nhân vật. Ví dụ: cảnh Chử Đồng Tử đi thuyền ra biển lớn, sân khấu cải lương truyền thống chỉ ước lệ bằng cách để nhân vật chèo mái thuyền, nhưng ở sân khấu mới, thuyền và người có thể bay lên. Ở cảnh nhân vật phản diện biến người dân thành lợn, gà, hiệu ứng xiếc sẽ thể hiện rõ nét.

Ông Thắng nói: "Êkíp đã tới nơi thờ Chử Đồng Tử là đền Đa Hóa và đền Dạ Trạch ở Khoái Châu, Hưng Yên để dâng hương, tìm cảm hứng và chất liệu dàn dựng tác phẩm. Chúng tôi mong muốn mang đến cho khán giả một hình thức nghệ thuật, một sân khấu mới".

Theo NSND Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, họ nhiều lần kết hợp với các loại hình nghệ thuật hiện đại khác.

"Chúng tôi đã kết hợp cải lương và rối trong vở Ngã quỷ, chèo, xẩm, hát văn Huế trong Ngàn năm mây trắng ... Những tác phẩm khi ra mắt thu hút sự chú ý của khán giả", ông nói.

Vở diễn có sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Nhân vật Chử Đồng Tử - Tiên Dung do nghệ sĩ cải lương Minh Hải - Như Quỳnh và nghệ sĩ xiếc Thanh Tuấn - Thu Hương đảm nhận. Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền thể hiện toàn bộ ca khúc trong vở diễn. Cây gậy thần dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 11 với hai phiên bản: sân khấu tròn của rạp xiếc và sân khấu vuông để có thể biểu diễn lưu động ở nhiều địa phương.

Cây gậy thần là tác phẩm đầu tiên trong dự án nghệ thuật chung của Liên đoàn xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam - Huyền sử Việt. Dự án gồm bốn tác phẩm ca ngợi công đức của "Tứ bất tử" trong tín ngưỡng tâm linh của người dân Việt Nam là: Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) và Thánh Gióng. Dự án nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời sáng tạo nhằm thu hút khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật