Xem Video: Bảo tồn giá trị văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số
Thời gian qua, nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, huyện Hạ Lang đã thành lập 14/14 phân Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tại các xã hoạt động hiệu quả. Hằng năm tổ chức tốt các lễ hội như: Lễ hội Chùa Sùng Phúc; Lễ hội giao duyên Thang Nà; Hội Pò Nà xã Việt Chu; Hội Phja Đán xã Thị Hoa…
Các lễ hội được duy trì tổ chức tạo không gian diễn xướng làn điệu dân ca mang đậm đà bản sắc dân tộc như: Hát đối đáp giao duyên, sli, lượn then... qua đó, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được phát huy.
Đội Thông tin lưu động thường xuyên xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức tuyên truyền các ngày lễ lớn hướng về cơ sở, phục vụ tốt nhu cầu vui chơi giải trí trong các dịp lễ, Tết. Công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đền thờ Tô Thị Hoạn được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Di tích danh lam thắng cảnh Động Dơi (Ngườm Cắc Khào), xã Đồng Loan cũng được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa cấp Quốc gia. Công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thường xuyên quan tâm. Hoạt động thể dục, thể thao được duy trì ổn định và từng bước phát triển; các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như: bóng chuyền, cầu lông, kéo co, đẩy gậy, tung còn, cờ người... thường xuyên được đưa vào tổ chức tại các giải của huyện cũng như trong các lễ hội xuân đầu năm.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt được những kết quả nhất định, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Trung bình hằng năm toàn huyện có 83/147 xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa, chiếm 56,4%; 112/123 đơn vị đạt chuẩn văn hóa, chiếm 91,1%; 4.591/5.735 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm 80%.
Theo ông Nông Văn Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hạ Lang: Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc không phải việc đơn giản vì lớp trẻ ngày nay thường đi học, đi làm ăn xa; không có nhiều người dành thời gian để tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống; không thường xuyên sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Các hình thức diễn xướng được truyền từ đời nay sang đời khác qua hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp, ít có các văn bản ghi lại cụ thể nên khó khăn trong việc truyền dạy.
Bởi vậy, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, ngoài sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di sản, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản văn hóa cho cộng đồng cư dân để người dân có ý thức chủ động trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.