Cặp Hà Nội - TP HCM ở bán kết Cup Quốc gia cho nhiều dữ kiện quan trọng. Lần gần nhất họ gặp nhau là vòng 11 V-League, ngay trước khi giải tạm ngưng vì Covid-19 bùng phát trở lại. Đó là trận đấu diễn ra trên sân Thống Nhất, Hà Nội thắng 3-0 với một vài tranh cãi về trọng tài. Sau trận thua đó, HLV Chung Hae-seong dừng công việc một thời gian ngắn do bất đồng về hướng giải quyết với lãnh đạo CLB.
Gần trong hai tháng sau, dù được đá trên sân nhà, Hà Nội không có được sự hậu thuẫn của khán giả, và trận đấu được điều hành bởi một trong những trọng tài giỏi nhất Việt Nam hiện nay là ông Ngô Duy Lân. Nhưng kết quả là 5-1 cho Hà Nội, một màn hủy diệt thật sự. Không còn gì để tranh cãi nữa cả.
TP HCM thua đậm có thể vì thiếu... Công Phượng? Về chuyên môn, có tiền đạo này, TP HCM cũng không hơn được Hà Nội, nhưng Công Phượng vẫn là một ngôi sao thực sự, có thể tạo được sự cân bằng về mặt tâm thế so với dàn tuyển thủ quốc gia bên phía Hà Nội. Ít nhất, TP HCM cũng không đổ sụp dễ dàng. Đá trên sân khách, đá trong ám ảnh về nỗi tuyệt vọng không thể vượt qua được đối phương, lại không có được đội hình mạnh nhất, TP HCM rất cần những cú hích về tinh thần. Nhưng lòng tin mà họ đặt vào thủ thành Bùi Tiến Dũng đã không được đền đáp. Một diện mạo khác lạ không giúp Bùi Tiến Dũng tái hiện phong độ từng đưa anh ra ánh sáng ở Thường Châu 2018.
Sai sót của Bùi Tiến Dũng chỉ là một lý do nhỏ trong một hoàn cảnh chung của trận đấu mà TP HCM không thể tìm ra cách thắng Hà Nội hiện tại. Nhưng nó chỉ ra rằng, so với gần hai tháng trước, TP HCM chẳng cải thiện thêm một chút nào về bản lĩnh, dù về lý thuyết, họ đã có thêm thời gian để ông Chung Hae-seong điều chỉnh nhân sự, bổ sung cầu thủ mới, chuẩn bị những bài vở chiến thuật mới.
Hà Nội thì hoàn toàn khác. Trước trận đấu với TP HCM ở vòng 11 V-League, thầy trò Chu Đình Nghiêm chỉ ghi 14 bàn sau 10 trận. Với một đội bóng chuyên đá áp đặt thế trận, gây sự sợ hãi cho đối phương trước khi kết liễu, trục trặc ở khâu ghi bàn sẽ dẫn đến đánh mất mọi ưu thế. Nhưng chỉ sau ba trận, tính từ vòng 11 V-League đến nay, Hà Nội đã ghi tổng cộng 15 bàn, thủng lưới một lần. Nhà ĐKVĐ V-League đã trở lại là chính họ.
Nhưng Hà Nội mạnh chỉ là một lẽ. Điều quan trọng là các đối thủ như TP HCM không thể vượt qua được chính họ, đừng nói đến việc tiếp cận đến uy quyền của đội bóng thủ đô vốn dĩ được xây dựng suốt 10 năm qua. Trước khi mùa giải tạm dừng lần hai, cả Hà Nội lẫn TP HCM đều có vấn đề về phong độ. Nhưng Hà Nội chỉ cần một thời gian đủ dài để nghỉ ngơi, hồi phục và tìm lại cảm giác chiến thắng. Còn TP HCM lại tự đưa họ vào thế khó khi xáo trộn nhân sự, thay vì tập trung giải quyết các yếu tố mang tính chuyên môn.
Sau trận thua ở vòng 11 V-League, ban lãnh đạo TP HCM đã có một quyết định mạnh mẽ, thay vị trí của HLV Chung Hae-seong. Nhưng sau một thời gian ngắn, ông trở lại. Điều đó đặt dấu hỏi: quyết định thay thế ông Chung chỉ là cảm tính, theo kiểu "thay tướng để mong đổi vận", hay vì nhận thấy HLV người Hàn Quốc này không phù hợp? TP HCM trả ghế lại cho ông Chung vì họ không có người thay hay chỉ vì ngại phải đền bù hợp đồng?
Dù là lý do nào đi nữa, việc không dứt khoát được vị trí của HLV Chung Hae-seong cho thấy vấn đề của CLB TP HCM nằm ở phía thượng tầng quản lý, chứ không còn ở chuyên môn. Trận thua ở V-League vốn đã tạo điều kiện để ban lãnh đạo chọn được hướng đi mới, nhưng họ lại cầu toàn và lỡ thời cơ thay đổi. Và kết quả tại bán kết Cup Quốc gia, vì thế, là hậu quả đương nhiên của cách làm bóng đá mang tính thời vận.
Ở một góc nhìn khác, kết quả của Cup Quốc gia cũng đang vẽ nên cục diện sắp đến ở phần còn lại mùa giải V-League 2020. Hai đội bóng vào chung kết - Hà Nội và Viettel - đều là các ứng viên lớn nhất cho chức vô địch V-League. Họ cũng là những đội bóng sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia nhất. Họ cũng là các CLB được đầu tư kỹ lưỡng ở yếu tố con người, biết đặt mục tiêu dài hạn. Các yếu tố đó không thể tìm thấy ở TP HCM, hay thậm chí cả đội đầu bảng V-League - Sài Gòn FC.
Cục diện ở bán kết Cup Quốc gia vì thế đang cho thấy thời thế bắt đầu đổi thay.