Theo các nguồn tin quốc tế, khi cuộc khủng hoảng virus corona bùng phát, sự gián đoạn đã xảy ra trong chuỗi cung ứng lương thực tại nhiều nước. Các cú sốc khác ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, mất thu nhập và lượng kiều hối giảm đang tạo ra những căng thẳng nghiêm trọng và rủi ro về an ninh lương thực ở nhiều nước.
Mặc dù giá lương thực toàn cầu hiện ổn định nhưng nhiều quốc gia đang trải qua mức độ lạm phát giá lương thực ở các cấp độ khác nhau do thực hiện các biện pháp phòng chống lây lan của Covid-19.
Do ảnh hưởng của Covid-19, các nhà sản xuất thực phẩm cũng phải đối mặt với những thất thoát lớn khi thực phẩm dễ hỏng, nhu cầu tiêu dùng ngày càng hạn chế cộng thêm với mô hình tiêu dùng cũng đang thay đổi.
Mặc dù tình trạng mất an ninh lương thực phần lớn không phải do tình trạng thiếu lương thực gây ra, nhưng sự gián đoạn trong việc cung cấp các nguyên liệu đầu vào cho nông nghiệp như phân bón, hạt giống hoặc tình trạng thiếu lao động có thể dẫn tới sản lượng thu hoạch giảm trong các vụ mùa sắp tới.
Nếu nông dân rơi vào tình trạng đói nghèo nghiêm trọng, họ cũng có thể sẽ ưu tiên mua lương thực tích trữ hơn là đầu tư gieo trồng tiếp, và điều này sẽ làm tăng nguy cơ thiếu lương thực trong thời gian sắp tới.
Trong báo cáo về “An ninh lương thực và dinh dưỡng trên toàn cầu vào năm 2020”, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra những đánh giá và dự đoán tình hình biến chuyển của thế giới vào năm 2030 dựa trên các xu thế đang diễn ra và số liệu của thập kỷ trước. Theo đó, có nhiều bằng chứng cho thấy thế giới sẽ có thể lỡ tiến độ cho việc đạt đạt được mục tiêu không đói nghèo vào năm 2030.
Châu Phi đang chệch hướng đáng kể để đạt được mục tiêu này vào năm 2030. Nếu tốc độ tăng trưởng hiện tại vẫn duy trì, tỷ lệ suy dinh dưỡng (PoU) sẽ tăng từ 19.1% lên 25.7%. Châu Mỹ Latin và vùng Caribê cũng đang chệch hướng, mặc dù với mức độ thấp hơn rất nhiều. Chủ yếu là do sự suy giảm trong những năm gần đây, tỷ lệ PoU dự kiến sẽ tăng từ 7.4% vào năm 2019 đến 9.5% vào năm 2030.
Châu Á, mặc dù đang có những tiến triển, nhưng cũng sẽ không đạt được mục tiêu năm 2030 dựa theo các xu hướng gần đây. Báo cáo cũng dự báo Châu Á sẽ vẫn có gần 220 triệu người đói nghèo vào năm 2030, tuy nhiên tỷ lệ về số lượng người đói nghèo của châu lục này so với trên thế giới sẽ giảm đáng kể. Châu Phi sẽ vượt qua Châu Á trở thành khu vực với số lượng người suy dinh dưỡng cao nhất (443 triệu), chiếm 51,5% tổng số.
Các điểm nóng về an ninh lương thực bao gồm:
Các quốc gia nghèo và bị ảnh hưởng bởi xung đột, nơi các hoạt động logistics và phân phối gặp nhiều khó khăn ngay cả khi không có dịch bệnh và cách ly xã hội.
Các quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra (lũ lụt, hạn hán) và dịch hại như nạn châu chấu hiện nay, loại dịch hại được cho là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua đang ảnh hưởng đến sản xuất lương thực ở 23 quốc gia.
Các nước có tiền tệ bị mất giá, (làm tăng chi phí nhập khẩu lương thực) và các nước có giá hàng hóa suy giảm (hạn chế khả năng nhập khẩu lương thực)...