Tin liên quan
Một đồng nghiệp của tôi kể, cứ nhớ mãi “giai thoại” về HLV Alfred Riedl từ cách đây 13-14 năm. Bữa đấy có lần thầy Riedl tiếp khách về, mặt mũi tưng bừng, thơm mùi “hồng xiêm” (bịa rượu). Ông ra sân lấy mấy quả bóng xếp thành hàng ngang ở vạch 16m50 và ra kèo “sút bóng trúng xà ngang” với học trò và mấy quan chức đều là cựu danh thủ.
Thầy sút quả nào bóng dội xà ngang “đen đét” quả ấy! Tất cả trố mắt! Ông Riedl thực tế là một trong những HLV ngoại của Việt Nam có lý lịch “khủng” nhất từ trước tới nay khi 2 lần đăng quang giải VĐQG Áo những năm 1969, 1970. Năm 1972, ông là Vua phá lưới.
Riedl là một tiền đạo xuất sắc. Trong 2 năm 1973 và 1975, ông đoạt danh hiệu Vua phá lưới giải VĐQG Bỉ và cũng trong năm 1975 còn đoạt Chiếc giày đồng châu Âu. Ông Riedl ba lần dẫn dắt các đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, các năm 1998-2001, 2003-2004 và 2005-2007.
Lâu như vậy nên ông cũng có khá nhiều kỷ niệm với cánh phóng viên, những người luôn “soi” ông từng chi tiết nhỏ cả công việc cũng như cuộc sống. Thật tình thì phải nói có lẽ không ở đâu HLV hay cầu thủ lại “ưa” mấy ông nhà báo. Lý do ắt do đặc thù công việc đôi bên. Tôi chơi khá tốt với một số HLV, cầu thủ bóng đá nhưng thi thoảng lúc anh em “trà dư, tửu hậu”, họ vẫn bảo “mấy thằng nhà báo” phiền lắm. Thì có gì lạ, hở ra chút có khi lại lên báo, lộ chuyện nọ chuyện kia mấy ai thích.
Đặc biệt HLV trưởng ĐTQG càng dễ vào tầm ngắm. Ông Riedl mặc dù vậy có mối quan hệ thiện cảm với khá nhiều phóng viên Việt Nam, dù có lúc ông công khai nói không thích người này, người kia. Trong một lần nói chuyện với tôi, ông Riedl nói là HLV chuyên nghiệp, ông rất hiểu vai trò của báo chí với bóng đá nên ông không từ chối ai bao giờ. Dù báo chí Việt Nam có lúc “dập” ông tơi tả khi đội tuyển thất bại.
Nhiều phóng viên Việt Nam đã từng qua Áo, thăm gia đình HLV Riedl và đều được vợ chồng ông tiếp đón rất thịnh tình. Nhà báo Thanh Tùng, Trưởng ban Thể thao Báo kể: Thời trước hay tỉ mẩn hàng giờ chỉ để thống kê một con số ấn tượng nào đó. Khi gặp ông Riedl ở ngoại ô Vienna năm 2008, mình có cung cấp 1 thông tin đến ông cũng sửng sốt là số bàn thắng trong sự nghiệp của ông còn nhiều hơn cả Platini. Sở dĩ có chuyện đó là mấy giải ông Riedl đá tầm trung nên thống kê hay sót. Trang web của CLB ghi nhận ông ghi đến 102 bàn trong 5 năm đầu sự nghiệp nhưng trên wiki chỉ 58. Ông Riedl kiểm tra nguồn xong cẩn thận ghi lại rồi nói: “Platini là cầu thủ vĩ đại lắm, tôi không thể so sánh”.
Nhưng ông cũng rất vui, dẫn đi xem hết cả sân vận động từng chơi hồi bé, giới thiệu bạn nối khố rồi cầm quả bóng ra. “Tưởng ông tặng mình, hóa ra ông xin chữ ký để làm kỷ niệm”- anh Thanh Tùng kể. Kể để thấy ông Riedl có mối quan hệ hữu hảo với nhiều phóng viên Việt Nam. Là người cư xử rất mực thước, ông Riedl khá kỹ tính và chuẩn chỉ với các mối quan hệ, gồm cả báo chí.
Lái xe riêng của ông Riedl kể, trước khi nhận lời tiếp xúc nay trả lời phỏng vấn nhà báo nào, ông đều hỏi qua trợ lý về người đó. Lần lập kèo “đá xà ngang” kể trên có lẽ là lần hiếm hoi ông Riedl “bay” một chút, còn bình thường ông luôn giữ nếp sinh hoạt nghiêm túc.
Từng có lần trong dịp đội tuyển Việt Nam tập trung tại Trung tâm Nhổn, ông Riedl in hẳn bài viết trên một tờ báo điện tử và mang ra hỏi phóng viên đang có mặt: Ai? Ai viết bài này? Ông nóng, chả là vì trong bài có một số chi tiết không chính xác.
Có lúc vui lúc buồn nhưng chắc chắn Việt Nam là điểm nhấn đậm nét trong sự nghiệp cầm quân của HLV Alfred Riedl ở Đông Nam Á.
Như ông chia sẻ, Việt Nam như quê hương thứ 2 của ông. Dù có lúc giận nhưng xa lại nhớ. Năm 2009, tôi có dịp gặp lại HLV Riedl khi ông dẫn dắt Lào tại SEAGAMES 25. Cuộc hẹn phỏng vấn riêng trong một quán nhỏ. Cứ nhớ mãi lần đấy khi ông Riedl giơ hai tay lên làm động tác vẫy trên tai rồi bảo: “Bên này không có nhiều tiếng “bíp bíp”- còi xe như Việt Nam”. Ông bảo Lào yên tĩnh hơn, dẫn dắt đội tuyển Lào không mệt vì bị phóng viên và CĐV đòi hỏi như ở Việt Nam. Nhưng ông Riedl cũng bảo vì bình yên quá lại thấy buồn, ông nhớ cái sôi động của bóng đá Việt Nam.
Ở Việt Nam, ông Riedl quen bị gọi là “Vua về nhì” khi 4 lần liền Á quân các giải đấu, gồm 3 HCB các kỳ Seagames và 1 HCB Tiger Cup 1998. Nhưng nhìn lại thì phải thấy với thực lực bóng đá Việt Nam, đó cũng không phải thành tích tệ. Quan trọng hơn, bóng đá Việt Nam cũng quen dần vơi những thói quen chuyên nghiệp của châu Âu. Ngày nghe tin ông qua đời, báo chí ai không khỏi ngậm ngùi.