Xem Video: Hơn 4000 người đăng ký lắp điện mặt trời
Bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước cho biết: Huyện Lộc Ninh xưa nay là vùng đất cằn cỗi, đất bạc màu, không phù hợp với phát triển nông nghiệp, hầu hết là rừng khộp, hiệu quả kinh tế thấp. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh Bình Phước đã thống nhất quy hoạch chuyển đổi một phần diện tích đất xấu, đất sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả sang đất thực hiện các dự án ĐMT. Vùng đất này trước đây được giao cho các doanh nghiệp trồng cây cao su nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, đây lại là vùng đất có cường độ bức xạ mặt trời cao so với nhiều nơi khác, rất thuận lợi cho phát triển ĐMT. Việc chuyển đổi một phần đất xấu sang phát triển dự án ĐMT là bước đột phá của tỉnh.
Trước đó, ngày 11/4/2017, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam”, sau đó, tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các Nhà đầu tư. Tại hội nghị, Thủ tướng bày tỏ quan điểm rất tin tưởng trong thời gian tới Bình Phước sẽ dần chuyển mình trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần vào tăng trưởng phát triển kinh tế chung của cả nước. Thủ tướng cũng cho rằng, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ khác cũng phải có trách nhiệm đối với sự phát triển của Bình Phước, bởi đây là vùng sinh thái của cả khu vực với hơn một nửa diện tích là rừng và hơn 100 dòng sông.
Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 22/5/2020) quy định về giá mua điện cho các dự án ĐMT đến ngày 31/12/2020. Được sự nhất trí, đồng ý của Chính phủ phê duyệt dự án Điện mặt trời với quy mô 800 MWp tại huyện Lộc Ninh. Đến nay, mặc dù có sự tác động bởi đại dịch COVID-19, nhưng 5 nhà máy ĐMT bao gồm Lộc Ninh 1, 2, 3, 4, 5 do Tập đoàn Hưng Hải đầu tư tại Bình Phước đang được đẩy nhanh tiến độ, để có thể chạy thử vào cuối tháng 11 và vận hành thươ ng mại vào cuối tháng 12/2020.
Đặc biệt, phần thi công giá đỡ pin mặt trời sẽ hoàn thành vào tháng 9-10 năm nay, các công việc lắp đặt tấm pin cần số lượng khoảng 5.000 lao động sẽ được triển khai để đảm bảo hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành trước thời hạn dự kiến.
Giai đoạn 1 của 5 dự án này có tổng công suất 800 MWp. Đây là dự án ĐMT đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Phước được triển khai.
Hoạt động thi công dự án đang được triển khai nhanh chóng để đạt các yêu cầu tiến độ. Bên cạnh việc xây dựng 5 nhà máy, Tập đoàn Hưng Hải cũng trực tiếp đầu tư đường dây truyền tải 220 KV Lộc Ninh - Bình Long 2 dài 29km.
Ép cọc làm giá đỡ tấm Pin ĐMT Lộc Ninh.
Trong bối cảnh năng lượng khan hiếm như hiện nay, việc dự án ĐMT Lộc Ninh đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo ra nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.
Tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương
Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Hải cam kết tận dụng tối đa nguồn lao động tại địa phương. Theo đó, người lao động vừa được đào tạo việc làm tại chỗ, vừa có công ăn việc làm ổn định lâu dài, lương cao nhiều lần so với việc canh tác đất làm nông nghiệp.
Trong điều kiện các nguồn năng lượng khác như thủy điện, nhiệt điện... ngày càng gặp nhiều khó khăn thì phát triển ĐMT là một chính sách rất hợp lý, sẽ giải quyết được cùng lúc nhiều vấn đề. Đó là cung cấp năng lượng cho nền kinh tế, sản xuất và đời sống nhân dân trong khu vực. Tạo nguồn thu ngân sách nhà nước. Giải quyết được công ăn việc làm cho lao động địa phương trong giai đoạn xây dựng nhà máy cũng như sau khi các nhà máy đi vào hoạt động.
Hiện nay, tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khâu giải phóng mặt bằng và đảm bảo an ninh trật tự tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Hải nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.
Theo đó, có nhiều chính sách khác như: ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất, về giao đất, cho thuê đất từ quỹ đất công của tỉnh không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, thuế suất ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, khấu hao tài sản cố định và nhiều ưu đãi khác.
Bình Phước đang thực hiện nhất quán phương châm hành động “2 nhanh” và “3 tốt”: 2 nhanh là nhanh chóng giải phóng mặt bằng và nhanh chóng thực hiện các thủ tục đầu tư; 3 tốt là chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt.
Dự án ĐMT đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Phước được triển khai. Sau khi hòa lưới điện quốc gia, dự án đi vào hoạt động, hàng năm dự kiến sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh Bình Phước hơn 400 tỉ đồng (khoảng 5% tổng thu ngân sách của Bình Phước).