Năm nay, điểm trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập ở Thanh Hóa khiến nhiều người bất ngờ khi 55/88 trường có mức dưới 20.
"Học sinh thoát điểm liệt, đi học là quý"
Một số trường điểm chuẩn nằm ở “đáy”. Học sinh chỉ đạt trung bình dưới 1 điểm/môn vẫn trúng tuyển. Điển hình là trường THPT Lang Chánh (huyện Lang Chánh) có điểm chuẩn 2,9 cho 3 môn thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ). Trong đó, điểm Toán và Văn nhân hệ số 2. Thí sinh chỉ cần đạt trung bình 0,58 điểm/môn đã trúng tuyển vào trường này.
Ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho hay điểm chuẩn vào các trường của tỉnh được xác định trên số học sinh dự thi và điểm thi. Đồng thời, thí sinh trúng tuyển phải đáp ứng được yêu cầu không có bài thi nào bị điểm liệt.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa quy định điểm liệt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020-2021 là 0,25.
"Như vậy, trường THPT Lang Chánh đưa ra mức điểm chuẩn 2,9 là thấp nhưng không sai. Những học sinh không có môn thi nào bị điểm liệt và đủ điểm chuẩn đều trúng tuyển để theo học. Lang Chánh là huyện miền núi, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc. Các em dự thi, thoát điểm liệt, đi học là điều quý” - ông Hòa nói.
Ông Hòa cho rằng không riêng THPT Lang Chánh, điểm chuẩn lớp 10 ở các huyện vùng cao của Thanh Hóa cũng thấp. Số học sinh dự thi không nhiều.
Ví dụ, theo kế hoạch một trường tuyển 320 chỉ tiêu nhưng chỉ 300 thí sinh dự thi. Em nào thoát điểm liệt là trúng tuyển.
Điểm chuẩn lớp 10 quá thấp, có nên thi không?
Trước những băn khoăn về chất lượng đào tạo của nhà trường khi điểm đầu vào quá thấp, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho rằng: “Điểm chuẩn thấp không phản ánh chất lượng đào tạo của trường, đây là điểm của những em cuối cùng trúng tuyển. Những học sinh khác trúng tuyển với mức điểm cao hơn. Để đánh giá chất lượng đầu vào của trường, cần tính điểm trung bình cộng của học sinh trúng tuyển”.
Ông Hòa cho rằng mặc dù điểm chuẩn lớp 10 nhiều trường quá thấp nhưng cần tổ chức thi, vì đây là căn cứ để định hướng giảng dạy. Các trường cần biết năng lực học tập của học sinh để có định hướng dạy học ở cấp 3. Nếu học sinh có tư tưởng học hay không cũng trúng tuyển sẽ nguy hiểm.
“Thi là dịp để học sinh ôn lại kiến thức, định hướng tư duy. Các em dự thi vượt qua được điểm liệt vẫn đạt tiêu chí đặt ra. Nếu tổ chức thi nhưng thí sinh bị loại quá ít hoặc gần như không loại, cần tính toán hợp lý và cần có những nghiên cứu, xem xét thấu đáo” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nói.
TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Ban đảm bảo chất lượng giáo dục - Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng, nêu quan điểm kỳ thi tuyển là xác định chọn thí sinh từ cao đến thấp, theo thang đánh giá chung. Thang đánh giá ở đây là đề thi, dù điểm thấp nhưng không thể nói không cần thi.
Theo TS Phương Anh, chỉ 0,58 điểm/môn vẫn đỗ không đồng nghĩa là kỳ thi này không có cạnh tranh, bởi sẽ có người chỉ đạt 0,2 điểm. Vai trò của kỳ thi tuyển là điểm thấp nhưng vẫn có thí sinh bị loại.
"Nếu bỏ thi nhưng chưa có kế hoạch tuyển sinh khác thì làm thế nào để chọn học sinh công bằng? Ngoài ra, điểm thi dù cao hay thấp cũng cung cấp thông tin chung về năng lực của toàn bộ thí sinh tham gia. Nhà trường biết được thí sinh còn yếu điểm nào để chú trọng tăng cường giảng dạy" - TS Phương Anh phân tích.
Mặc dù vậy, bà Phương Anh nêu nếu địa phương có đủ chỗ học, đặc biệt nếu thừa chỗ cho 100% học sinh đăng ký thì không nhất thiết phải tổ chức thi cho tốn kém. Trường học muốn kiểm tra trình độ học sinh sẽ có nhiều cách, như kiểm tra đầu năm học để xếp lớp, phân loại và lấy thông tin.
“Tuyển sinh đại học đã thay đổi sau nhiều năm chỉ dựa vào một kỳ thi, tuyển sinh vào lớp 10 công lập cũng nên làm tương tự” - bà Phương Anh nói.