Hà Thủy Nguyên tên thật là Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh năm 1986, từng tạo được ấn tượng ngay từ những sáng tác đầu tay như tiểu thuyết Điệu nhạc trần gian bắt đầu viết năm 14 tuổi và tập truyện dài Cầm thư quán. Không chỉ đam mê nghiệp văn chương, tác giả trẻ này còn để lại dấu ấn với một loạt kịch bản phim truyền hình từng thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận như: Vòng nguyệt quế, Blog nàng dâu, Nếp nhà…
Thiên Mã là cuốn tiểu thuyết mới, thể hiện một phong cách viết mới mẻ, phóng khoáng nhưng vẫn dựa trên cái huyền ảo vốn có trước nay của Hà Thủy Nguyên.
Phóng viên Báo đã có cuộc trò chuyện quanh chuyện viết lách của nhà văn trẻ này.
- Được biết bố mẹ Thủy Nguyên theo con đường thương mại, vậy cơ duyên nào khiến bạn theo đuổi văn chương?
- Có lẽ vì từ bé mình đã rất mê đọc sách. Dù là dân hương mại nhưng bố mẹ mình lại đọc rất nhiều sách và để lại cho mình một tủ sách rất lớn, đặc biệt là những sách về văn hóa, lịch sử, văn học Trung Quốc. Thậm chí ngày xưa, khi còn đi học, bố mẹ mình cũng rất giỏi văn. Chỉ có điều hoàn cảnh xã hội lúc ấy khó khăn nên dù rất yêu văn chương nhưng họ không thể theo đuổi được niềm đam mê ấy.
- Có nghĩa là con đường văn chương bạn đang đi là để bù lấp cho khát vọng cũ của các bậc sinh thành?
- Có lẽ thế. Lúc bé, chưa bao giờ mình nghĩ sẽ trở thành một nhà văn. Thời của mình, môn toán được coi trọng hơn, những ai học giỏi văn bị coi là dở hơi rồi. Ngày từ ngày học lớp 3, lớp 4, mình thường xuyên bị cử đi học sinh giỏi văn mặc dù mình đã cố từ chối vì sợ bạn bè gọi là đồ dở hơi.
"Từ bé không dám học văn vì sợ bạn bè gọi là đồ dở hơi. Tuy nhiên, càng về sau thì văn học càng cuốn hút mình. Dù có lúc muốn rời ra nhưng chẳng hiểu sao mình cứ vì rơi vào cái vòng xoáy ma lực ấy...", Hà Thủy Nguyên chia sẻ |
Tuy nhiên, càng về sau thì văn học càng cuốn hút mình. Dù có lúc muốn rời ra nhưng chẳng hiểu sao mình cứ rơi vào cái vòng xoáy ma lực ấy. Giữa văn chương trường học và văn chương thực sự nó cách xa nhau lắm. Những người học văn trong nhà trường tốt thì họ có khả năng lập luận, câu cú chuẩn, ít khi bị những lỗi sơ đẳng. Văn chương thực sự lại là khía cạnh khác.
- Vậy thứ văn chương thực sự mà bạn đang đeo đuổi có phải là một cái gì đó hoài cổ, dã sử pha lẫn huyền thoại xuyên suốt từ Điệu nhạc trần gian, Cầm thư quán đến Thiên Mã gần đây?
- Đúng rồi! Cái “chất” của mình trước nay vẫn vậy. Mình muốn tạo nên một không gian thời cổ nhưng nó cũng không quá nặng nề, thuần túy về mặt lịch sử, màu sắc hơi huyền bí, huyền ảo - cũng có thể dùng từ kỳ ảo cũng được. Chất kỳ ảo đó kéo dài từ trước đến giờ, chỉ có điều trong mỗi tác phẩm, không gian khác đi thôi. Trước đây là quá khứ kỳ ảo thì bây giờ là hiện thực kỳ ảo. Bời vì dòng sách mình thích đọc nhất là tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa, truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết về các nền văn hóa trên thế giới rồi các tác phẩm sử thi. Thú thực mình bị ảnh hưởng rất lớn từ những tác phẩm tinh túy ấy.
- Còn lý do cho việc đặt tên cuốn tiểu thuyết mới nhất là Thiên Mã?
- Thiên mã là một con ngựa có cánh xuất hiện rất nhiều trong truyền thuyết của Bắc Âu, Hy Lạp. Trong truyền thuyết của Hy Lạp thì đó là con ngựa của thần Pecxe. Hình ảnh chú ngựa này còn phát triển mạnh hơn ở các truyền thuyết Bắc Âu. Mỗi lần bắt gặp ở đâu đó hình ảnh con ngựa có cánh ấy, mình lại thấy nó đẹp hơn, cuốn hút hơn. Nó tự do, thỏa mãn cho trí tưởng tượng không giới hạn. Con ngựa có cánh, nó có thể bay. Bản thân của con ngựa đã là biểu tượng của tự do rồi, nó mọc thêm cánh nữa, nó vượt ra ngoài trí tưởng tượng của con người. Chính vì vậy, mình chọn hình ảnh con ngựa có cánh này làm biểu tượng cho câu chuyện viết về cuộc phiêu lưu kỳ thú của hai đứa trẻ. Con ngựa của mình là ngựa lai thiên nga, được cấy ghép gen hẳn hoi đấy.
- Như thế có nghĩa, Thiên Mã chỉ thuần túy là một cuốn sách dành cho thiếu nhi?
- Có thể nói là viết cho thiếu nhi cũng được. Nhưng theo mình, ai cũng có một thời trẻ thơ khó gì đánh đổi được. Giống như tác giả của Hoàng Tử Bé, ông Saint-Exupéry đã nói là cuốn tiểu thuyết của ông ấy viết cho không chỉ riêng những em nhỏ mà còn viết cho những người lớn đã từng là em nhỏ. Thiên Mã của mình cũng thế, dành cho cả những người lớn đã quên đi giấc mơ của một thời trẻ thơ đầy mê hoặc. Trong truyện, mình viết: “Hiện tại, nếu trên trời thấy một con ngựa có cánh bay qua thì chỉ có hai loại người tin chuyện này là có thật. Đó là đứa trẻ con và người nghệ sỹ”.
- Vậy Hà Thủy Nguyên mất bao lâu để hoàn thành cuốn sách này? Nó có gì khác so với Cầm thư quán, Điệu nhạc trần gian? Đây là một thể nghiệm mới của bạn chăng?
- Mình mất khoảng nửa năm để hoàn thiện cuốn sách. Cái khác đầu tiên của Thiên Mã so với Cầm thư quán, Điệu nhạc trần gian là ở không gian của câu chuyện. Hai cuốn trước là mình viết dã sử, nhân vật lựa chọn là người lớn. Còn cuốn này viết về lứa tuổi teen, không hẳn là trẻ thơ, khoảng 14, 15 tuổi. Có thể khẳng định đây là một thể nghiệm mới của mình!
Thiên Mã - Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Hà Thủy Nguyên |
- Bạn thật vinh dự vì thể nghiệm mới ấy đã được nhà báo Phan Thế Hải ví von là một Harry Potter của Việt Nam?
- Cũng có thể nói như vậy! Nhưng cái khác giữa Harry Potter và Thiên Mã, thứ nhất là mình không viết truyện về phù thủy, thứ hai là không gian huyền thoại trong Harry Potter được tách biệt hoàn toàn với thế giới thực, tức là một thế giới khác bên cạnh thế giới thực.
Nhưng trong truyện của mình, tất cả các câu chuyện huyền ảo lại xảy ra ở thế giới thực, yếu tố huyền ảo của mình không có phép màu nào cả. Nó là những cái hoàn toàn có thể giải thích được bằng khoa học. Ví dụ hình ảnh con nhân sư, đấy là một chủng tộc người đã từng có và nó đã bị tuyệt chủng, một tộc người nhân mã, hoặc ma cà rồng, không phải là một loài ma quỷ mà cũng là một chủng tộc người tồn tại trên thế giới này. Thậm chí, hình ảnh con thiên mã cũng không phải do ông trời dùng mây mà tạo thành như hình ảnh trong truyền thuyết cổ Hy Lạp mà con Thiên Mã này được lai ghép bằng gen của ngựa và gen của thiên nga theo công nghệ sinh học. Mình nghĩ trong tương lai các nhà khoa học có thể lai ghép thành những con thiên mã như thế lắm chứ!
- Và Thiên Mã không chỉ là một cuốn tiểu thuyết viễn tưởng mà có thể coi là một thần thoại của thế kỷ XXI. Với một số hình tượng kì ảo như: nhân sư, Thiên Mã, ma cà rồng, người tuyết, đạo sĩ…, nó có hơi hướng giống Thần Thoại Hy Lạp?
- Từ bé, mình đã rất thích đọc những thần thoại cổ, tìm hiểu về các nền văn minh trên thế giới. Đây không phải là ảnh hưởng mà những kiến thức mình đã sử dụng, trong đó có Thần Thoại Hy Lạp. Ở chương III có đoạn hai nhân vật chính đến đền thờ của thần Apolo để tìm hòn đá trung tâm của vũ trụ, đấy là những kiến thức trong Thần Thoại Hy Lạp. Nó cũng giống như các cuộc phiêu lưu đi tìm kho báu của phương Tây, đến Ai Cập, đến Hy Lạp, đến các đền thờ cổ… các kiến thức cổ về thần học. Có những đoạn giải mã, có chút chất của truyện trinh thám.
- Nói chuyện một chút về văn chương trẻ Việt Nam mấy năm gần đây. Một số tác giả trẻ bây giờ có vẻ thoáng hơn trong các đề tài viết. Họ tìm đến với seּx, giới tính và văn chương tính dục, một phần để đáp ứng thị hiếu của độc giả, một phần để dễ được nổi tiếng. Tương lai, Hà Thủy Nguyên có chọn cách làm tương tự?
- Thực ra, trong Cầm thư quán cũng có seּx. Theo mình, seּx không nên là một đề tài. seּx là một biểu hiện của tình yêu, một phần của tình yêu, là thứ không thể thiếu của con người, là bản năng của con người và nó chỉ nên là một yếu tố để làm cho tiểu thuyết sinh động hơn. Nếu bạn viết về tình yêu mà không viết về tìnּh dụּc cũng hơi khó. Cũng có những tình yêu vượt lên trên tìnּh dụּc.
- Cái nhìn chung của bạn về văn chương trẻ Việt Nam đương đại?
- Như câu hỏi trên của bạn cũng là một nhận xét! Đa phần các bạn viết trẻ bị ảnh hưởng của một đề tài nào đấy. Họ thường chọn đề tài trước khi viết chứ không bắt đầu bằng ý tưởng, mình có cảm giác thế. Thường họ khai thác chính bản thân và tự giới hạn các sáng tác trong đời sống quanh mình. Có thể cái đó là điều khiến văn học trẻ Việt Nam không đa dạng. Điều đó có thể do kinh nghiệm về đời sống chưa nhiều, lượng đọc sách chưa nhiều.
Thêm nữa, các nhà văn Việt Nam ít người đọc được thứ tiếng phổ thông nhất là tiếng Anh, còn sách dịch thế nào thì đọc như thế. Các bạn trẻ cũng thiếu cả sự táo bạo để có thể dấn thân, thử nghiệm vào một thể loại mới. Như dạng tiểu thuyết kỳ ảo, nó đã xuất hiện ở phương Tây từ rất lâu rồi, trước Harry Potter hàng mấy thế kỷ. Ngay ở Việt Nam, các câu chuyện cổ tích, truyền kỳ mạn lục… cũng đã có từ xưa lắm rồi, thế nhưng các nhà văn trẻ hiện đại lại rất ít khi khai thác. Ở đây, có thể do thị hiếu. Quan niệm của người Việt Nam mình là những cái gì kỳ ảo là dành cho trẻ con. Cũng một phần các nhà văn Việt Nam viết văn bằng kinh nghiệm sống, trí tưởng tượng của họ ở mức xây dựng nhân vật, sống với nhân vật chứ bắt họ tạo ra một thế giới khác như tiểu thuyết kỳ ảo của châu Âu có vẻ khó.
- Bạn tuổi Hổ, mà con gái tuổi này thường có cá tính rất mạnh, có phần ương bướng, nên gặp nhiều trắc trở. Vậy, cá tính này có được thể hiện trên cả văn chương lẫn biên kịch?
- Tôi không những tuổi Hổ mà còn thuộc cung Nhân Mã (theo tử vi phương Tây). Với những người đã từng đọc tiểu thuyết hay xem phim của tôi, việc nhận ra cá tính Hà Thủy Nguyên rất dễ dàng. Thể hiện rõ nhất là qua các nhân vật chính như Bát Long trong Điệu nhạc trần gian, Ngọc Cầm trong Cầm Thư quán hay Hân trong Vòng nguyệt quế.
Tác giả của Thiên Mã cho biết, cuốn tiểu thuyết này là một cách thể hiện cá tính mới của chính bản thân chị |
Và mới đây nhất, tôi thử nghiệm cách thể hiện cá tính mới qua cuộc phiêu lưu viễn tưởng của một cô bé 14 tuổi trên lưng loài ngựa có cánh chỉ có trong truyền thuyết mà không cần quan tâm đến những hiểm nguy mình phải đương đầu. Cô bé đó dám tin vào những điều dường như không thể xảy ra, dám mạnh bạo dấn thân đón nhận mọi điều của cuộc sống và không bao giờ thôi mơ mộng. Đó cũng chính là con người của tôi trong quá khứ, hiện tại và có lẽ khó có thể thay đổi trong tương lai.
- Từng vào Nam nửa năm để làm việc cho một hãng phim, nhưng sau đó lại quyết định trở lại Hà Nội làm một nhà biên kịch tự do, “đổi gió” nhiều những rốt cục vẫn chưa nơi nào có thể thay thế Hà Nội?
- Tôi vào Nam để thực hiện một cuộc phiêu lưu mới, vì tôi cũng giống như những nhân vật của mình đi theo “chủ nghĩa xê dịch”. Nhưng có lẽ trong Nam nhiều ánh mặt trời quá, khiến tôi không thể viết được văn. Tôi ra Hà Nội không phải để làm một biên kịch tự do mà để làm một người viết văn đúng nghĩa. Tôi đã thử nhiều nghề nhưng có lẽ văn chương đã trở thành nghiệp. Tôi không thể chịu đựng nổi khi không sáng tác được.
- Một vài lời bạn muốn nói với những người viết trẻ hiện nay?
- Văn học Việt Nam đương đại, theo như tôi thấy, thiếu sự đa dạng trầm trọng. Có lẽ các bạn đồng nghiệp của tôi còn quá e dè để thử nghiệm một điều gì mới chăng? Họ vẫn mải mê khai thác bản thân và cuộc sống nhạt nhẽo xung quanh để đưa vào văn học.
Tôi còn ít tuổi, thậm chí vẫn thuộc vào hàng trẻ nhất trong số các nhà văn trẻ Việt Nam, nên lớn tiếng nhận xét này nọ thì thật là "thất lễ". Tôi chỉ mong sao các bạn đồng nghiệp của tôi bạo dạn hơn nữa, dấn thân hơn nữa và cởi mở tiếp nhận cái mới hơn nữa để có thể cùng nhau xây dựng nền một văn học Việt Nam đương đại xứng tầm.