Thông tin trên được ông Kennedy Costales, Giám đốc Cơ quan phát triển công nghiệp sợi Philippines (PhilFIDA) thuộc Bộ Nông nghiệp nước này cho biết. Theo ông thông thường, sợi Abaca được dùng để sản xuất túi lọc trà và tiền giấy, có độ bền tương đương với polyester nhưng chỉ mất 2 tháng để phân hủy.
Nghiên cứu sơ bộ của Bộ KH&CN Philippines cũng cho thấy, giấy Abaca có khả năng chống nước tốt hơn so với khẩu trang thương mại N-95, đồng thời kích thước các lỗ rỗng của nó hoàn toàn nằm trong phạm vi được khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ để lọc các hạt độc hại.
Từ thế kỷ 19, sợi Abaca đã được sử dụng để làm dây thừng trên các con tàu biển và các loại phong bì. Ngày nay, sợi Abaca được dùng trong sản xuất ô tô Mercedes-Benz và khoảng 30% số tiền giấy lưu hành tại Nhật Bản.
Theo ông Costales, nhu cầu sử dụng Abaca trong năm nay có thể tăng theo cấp số nhân, trong đó 10% sản lượng được sử dụng cho mục đích y tế, so với chưa đến 1% hồi năm ngoái. Mặc dù có chi phí sản xuất cao hơn so với các sản phẩm thay thế nhựa khác nhưng các nhà sản xuất thiết bị bảo vệ sức khỏe của Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam vẫn đặt hàng sợi Abaca trong những tháng vừa qua, nâng sản lượng của các nhà máy sản xuất sợi tại Philippines lên gấp đôi, ông Firat Kabasakalli, Tổng Giám đốc Dragon Vision Trading, một đơn vị xuất khẩu sợi Abaca, cho biết.
Ngoài ra, một công ty ở miền Nam Philippines có tên Salay Handmade Products Industries, trước đây chuyên sản xuất giấy và những tấm thiệp từ sợi Abaca để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu, giờ cũng chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang.
Hiện nay, những nỗ lực toàn cầu trong việc cấm sử dụng nhựa dùng một lần đang phải tạm ngừng bởi các quốc gia đặt vấn đề vật tư y tế lên trước vấn đề môi trường. Theo một bài của Liên Hợp Quốc, doanh số bán khẩu trang dùng một lần trên toàn thế giới trong năm nay dự kiến tăng hơn 200 lần, đạt 166 tỉ USD. Bởi vậy, sử dụng sợi Abaca để sản xuất khẩu trang là giải pháp hữu hiệu để giảm rác thải nhựa trong thời gian đại dịch.