Một tuần tiêu cực
Tuần qua, các chỉ số thị trường biến động tiêu cực. Dù có những phiên hồi phục nhẹ nhưng tính chung, VN-Index kết thúc tuần giảm 3,71% còn 798.39 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần giảm 1,66% dừng tại 107.51 điểm.
Tuy nhiên, thanh khoản trung bình trên cả hai sàn đều tăng, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 276 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 3,10% so với tuần giao dịch trước; Sàn HNX đạt trung bình hơn 45 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 9,43%.
Sự suy yếu của các Large Cap như VCB, SAB, VNM là nguyên nhân chính tác động tiêu cực lên thị trường. Ngoài ra, còn có thể kể đến sự sụt giảm của các cổ phiếu khác như VRE, BID, VJC, GAS...
Hầu hết các cổ phiếu nổi bật trong ngành ngân hàng như BID, VCB, TCB, CTG đồng loạt mất hơn 4% giá trị thị trường trong tuần qua. Các bluechip trong ngành dầu khí như GAS, PVS, PVD, PVB, PVC… cũng thi nhau lao dốc.
Ở nhóm cổ phiếu Vin, tiêu cực nhất phải kể đến mã VRE khi mất tới hơn 10% giá trị trong tuần; trong khi VIC giảm nhẹ gần 1% và ngược lại VHM lại tăng hơn 2%.
Việc thị trường giảm điểm tuần qua rõ ràng có liên quan đến tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư khi dịch Covid-19 quay trở lại với các ca nhiễm bệnh tăng mạnh. Dù vậy, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, thật ra những thông tin liên quan tới dịch bệnh chỉ là một yếu tố “bồi” thêm, bởi xu hướng dòng tiền đã yếu đi từ cách đây 1,5 tháng.
Dù nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng vài phiên vừa qua nhưng thực tế nhóm này cũng đã bán ròng nhiều tháng nay.
Thị trường sẽ giảm tới đâu?
Với diễn biến này, dự kiến thị trường sẽ còn bi quan trong thời gian tới. Tuy nhiên, liệu các chỉ số có lao dốc với tốc độ “chóng mặt” như trong quý I và thiết lập mức đáy mới?
Theo ông Phan Dũng Khánh, tác động của Covid-19 tới tâm lý nhà đầu tư chắc chắn có nhưng sẽ không nhiều, bởi đến thời điểm hiện tại, người dân cũng đã phần nào “quen” với việc tiếp nhận thông tin về dịch bệnh này hằng ngày.
Điều đó được chứng minh khi so sánh với quý I, VN-Index đã lao dốc một mạch; trong khi giai đoạn hiện tại, có những phiên hồi phục xen giữa các phiên giảm điểm và VN-Index vẫn duy trì quanh mốc 800 điểm.
Dự báo ngắn hạn về xu hướng của thị trường trong tuần, vị chuyên gia cho rằng các chỉ số dự báo có thể sẽ hơi tiêu cực nhưng mức độ sẽ yếu hơn chứ không “rơi” mạnh như tuần qua.
Tuy nhiên điều đáng lo là dòng tiền nếu tiếp tục “eo hẹp” bởi dịch Covid-19 sẽ ngăn cản đà phục hồi của nền kinh tế. Những dòng tiền lớn vẫn kiên định đứng ngoài không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy.
Trong khi đó, các nhà đầu tư mới dù sẽ tiếp tục tham gia thị trường nhưng để đạt cao trào như giai đoạn đầu năm sẽ khó, vì VN-Index vẫn duy trì quanh 800 điểm, nếu so với giai đoạn giảm sâu do dịch bệnh Covid-19 hồi quý I (đáy 650 điểm) vẫn còn khoảng cách khá xa.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, để thị trường trở lại trạng thái tích cực lúc này thì phải có sự “đồng bộ” từ nhà đầu tư mới, nhà đầu tư trong nước tới nhà đầu tư nước ngoài cùng một lúc mua vào.
“Về chiến lược trong giai đoạn tới, tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt cao. Khi thị trường có dấu hiệu hồi phục thì nên giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu xuống.
Đối với những nhà đầu tư không chịu được rủi ro cao, tâm lý yếu thì nên đợi thị trường tăng lên để gia tăng mức độ tiền mặt. Còn những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm và kĩ năng đầu tư để chịu được rủi ro cao thì thị trường chứng khoán phái sinh sẽ là kênh đầu tư khá hấp dẫn” – vị chuyên gia khuyến nghị.