Cấp bách, CSGT được huy động phương tiện của dân không cần xin phép Bộ trưởng

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
CSGT được quyền huy động phương tiện của dân trong trường hợp cấp bách và không cần có sự chấp thuận của Bộ trưởng Công an.
Cấp bách, CSGT được huy động phương tiện của dân không cần xin phép Bộ trưởng
CSGT làm nhiệm vụ trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội).

Xem Video: 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện

//

Đại diện Cục CSGT, Bộ Công an cho biết nội dung trên được quy định trong thông tư 65/2020 của Bộ Công an, có hiệu lực từ 5/8.

Trong những trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra như các trường hợp gây tai nạn cố tình chống đối, bỏ chạy, truy bắt tội phạm nguy hiểm..., CSGT được huy động trực tiếp các phương tiện giao thông, điện thoại... của tổ chức, cá nhân đang di chuyển trên đường.

Theo quy định từ năm 2016, CSGT có quyền trưng dụng phương tiện và phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Công an. Tuy nhiên, với quy định nêu trên, từ 5/8, cảnh sát giao thông sẽ chuyển từ trưng dụng sang huy động dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản và không cần có sự chấp thuận của Bộ trưởng.

Đại tá Vũ Quang Thái, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT cho biết việc việc thay đổi từ trưng dụng sang huy động phương tiện là để phù hợp với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và các Luật khác.

"Quy định mới giúp cảnh sát rút ngắn thời gian xử lý các tình huống khẩn cấp, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp có nguy cơ gây hại cho xã hội", Đại tá Thái nói và cho biết quy định trưng dụng phương tiện hiện nay phải trải qua nhiều công đoạn, thời gian xin lệnh từ lãnh đạo cấp cao.

Với trường hợp cảnh sát huy động phương tiện, người dân, tổ chức buộc phải hợp tác để ngăn chặn vi phạm có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. "Nếu người dân cố tình chống đối, gây cản trở quá trình truy đuổi sẽ bị xử lý theo từng mức độ từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm Hình Sự", Đại tá Thái cho hay.

Trước lo ngại khi trao quyền huy động trực tiếp cho CSGT có thể dẫn đến lạm quyền, gây thiệt hại cho tài sản của người dân, đại diện Cục CSGT cho rằng hiện nay các văn bản luật đã quy định đầy đủ, ràng buộc trách nhiệm của người làm nhiệm vụ. Nếu cảnh sát lạm quyền, vi phạm sẽ bị xử lý từ cảnh cáo đến đưa ra khỏi ngành hoặc truy cứu trách nhiệm Hình Sự.

Trường hợp việc huy động gây thiệt hại, hư hỏng phương tiện, người dân có quyền yêu cầu bồi thường, áp dụng theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật