Xem Video: Ngắm tuyến đường bên sông Hàn sắp thành phố đi bộ
Các tuyến đường xung quanh khu vực chợ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn còn nhiều thuận lợi để phát triển du lịch như: vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố; gần các điểm du lịch hấp dẫn trên địa bàn; có nhiều cửa hàng lớn, đa dạng về mặt hàng, sản phẩm như thời trang, đồ lưu niệm, ẩm thực… Mặc dù vậy, các hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân ở quanh đây lâu nay khá lộn xộn như: cửa hàng quần áo, hàng lưu niệm lại xen lẫn với hàng ăn, hàng điện máy sát hiệu thuốc; chưa có nơi đỗ, trông giữ xe phù hợp… Những tồn tại này khiến cho một khu vực nhộn nhịp, giàu tiềm năng phát triển trở nên thiếu tính liên kết, thiếu mỹ quan đô thị. Ông Nguyễn Thanh Bình, khối 1, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn bày tỏ: Sinh sống ở đây bao năm, tôi nhận thấy khu vực này cần có sự điều chỉnh phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, vừa cho thấy một thành phố phát triển, văn minh, được thiết kế hài hòa.
Trước thực tế trên, UBND thành phố Lạng Sơn đã xây dựng Đề án xây dựng phố đi bộ trên địa bàn thành phố nhằm quản lý, khai thác kinh doanh, dịch vụ du lịch có hiệu quả, với định hướng tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút du khách đến với thành phố Lạng Sơn. Ngày 12/6/2020, Đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1118/QĐ-UBND. Theo đó, thành phố lựa chọn các tuyến đường xung quanh chợ Kỳ Lừa gồm: Bắc Sơn, Lê Lai, Lương Văn Tri, Trần Quốc Toản để tiến hành cải tạo, nâng cấp và trang trí các hạng mục trong không gian hoạt động của phố đi bộ.
Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Việc xây dựng tuyến phố đi bộ sẽ được tiến hành trên cơ sở gìn giữ đặc điểm, nét văn hoá, lịch sử truyền thống lâu đời của thành phố. Dự kiến ngày 16/10/2020, các tuyến phố đi bộ xung quanh chợ Kỳ Lừa sẽ được khai trương, đi vào hoạt động. Theo tính toán của đề án, các tuyến phố đi bộ sẽ thu hút khoảng 2.000 lượt khách/ngày, trong thời gian thí điểm (từ tháng 10/2020 đến tháng 10/2021) đón khoảng 4.000 lượt khách/ngày doanh thu đạt từ 3,2 đến 3,6 tỷ đồng/năm khi chính thức đi vào hoạt động (từ năm 2022 trở đi).
Bà Nông Bích Diệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Để các tuyến phố đi bộ kịp đưa vào hoạt động trong tháng 10/2020, ngay sau khi đề án được phê duyệt, UBND thành phố đã thành lập Ban Quản lý phố đi bộ. Từ ngày 20/7, người dân trên địa bàn thành phố có thể đến UBND phường Hoàng Văn Thụ đăng ký bán hàng trên phố đi bộ. Hiện nay, chúng tôi đã vận động gần 150 hộ kinh doanh chuyển đổi sang kinh doanh các các mặt hàng phục vụ du lịch như: giải khát, đồ ăn nhanh, ẩm thực, sản vật đặc trưng của địa phương, đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ… Đồng thời, chúng tôi cũng đang tích cực kết nối, liên kết với các công ty du lịch, lữ hành xây dựng tour, tuyến du lịch… tạo sức hút với du khách, kéo dài thời gian lưu trú, mang lại cơ hội và động lực phát triển du lịch cho thành phố.
Thời gian qua, một số địa phương trong nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cao Bằng… đã và đang vận hành hiệu quả hoạt động của các tuyến phố đi bộ. Tin rằng với tiềm năng sẵn có và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, thời gian tới, các tuyến phố đi bộ tại thành phố Lạng Sơn sẽ được khai trương, đi vào hoạt động, tạo ra một không gian vui chơi thư giãn, nâng cao giá trị văn hóa, kích cầu phát triển thương mại, du lịch cho địa phương; góp phần quảng bá vẻ đẹp của vùng đất và con người Xứ Lạng đến du khách gần xa.