Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, những tác động của dịch Covid-19 tới thị trường lao động, việc làm khá nặng nề. Nhiều doanh nghiệp dự báo sẽ gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm, nên nguy cơ lao động mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng dịp cuối năm.
Bình quân hàng năm, có khoảng 80.000-90.000 lao động quay trở lại thị trường lao động hàng tháng, nhưng nay chỉ có khoảng 40.000-50.000 lao động quay trở lại thị trường lao động. Số người thất nghiệp, mất việc thời gian qua tập trung tại doanh nghiệp vừa và nhỏ và dự báo thời gian tới sẽ tác động đến những doanh nghiệp lớn.
“Đặc biệt, đại dịch tác động lớn đến đứt gãy các chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu trên toàn cầu, đứt chuỗi việc làm, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, mất việc, tạm ngưng việc gia tăng. Bên cạnh việc đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, trong tình hình hiện nay, kèm theo nguy cơ kép đó là tình trạng sản xuất ra hàng hóa nhưng không xuất khẩu được. Những tác động này, nếu không giải quyết sớm, trong thời gian tới, việc thất nghiệp chính thức sẽ diễn ra nhiều ở các khu vực FDI, các tập đoàn lớn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho tới thời điểm này, thị trường lao động Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp đăng ký mới hoặc trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm ngừng do giãn cách xã hội đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Theo ước tính, từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 đến 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại địa phương. Dự báo thị trường lao động Việt Nam quý III sẽ tốt hơn, đạt mức khoảng 55,4 triệu người tương đương quý I/2020.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các địa phương sẽ sớm hoạch định chính sách, chương trình quốc gia liên quan đến thị trường lao động, việc làm để ổn định thị trường lao động; trong đó có chính sách vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương cho người lao động, mở rộng tiêu chí cho vay.
Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương chủ động rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, các địa phương cũng cần chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ trong trường hợp lao động bị sa thải với số lượng lớn do tác động kéo dài của dịch Covid-19, sản xuất kinh doanh tiếp tục đình trệ do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, phương thức kinh doanh của các ngành thương mại điện tử, du lịch nội địa, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển - giao nhận…