Xem Video: Toàn cảnh đập Tam Hiệp
Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới, nằm trên sông Trường Giang, hay còn gọi là sông Dương Tử, nằm giữa thành phố Nghi Xương của tỉnh Hồ Bắc và Bồi Lăng của Trùng Khánh, nơi có địa hình tương đối hiểm trở và lượng mưa dồi dào.
Đập được thiết kế nhằm "thuần hóa" dòng Trường Giang. Trong bối cảnh miền trung và miền nam Trung Quốc đang hứng chịu một trong những đợt mưa lũ lớn nhất lịch sử, chính quyền Trung Quốc luôn khẳng định nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới ở Tam Hiệp đã điều tiết lũ, giảm thiểu thiệt hại kinh tế, hạn chế số người chết và phải sơ tán khẩn cấp do lũ lụt.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng mực nước sông Trường Giang cũng như các hồ lớn nhận nước từ dòng sông này dâng cao ở mức lịch sử đã chứng minh đập Tam Hiệp không đáp ứng được mục tiêu "cắt lũ" như thiết kế.
"Một trong những lý do chính mà đập Tam Hiệp được xây dựng là kiểm soát lũ, nhưng chưa đầy 20 năm sau khi nó hoàn thành, chúng ta lại chứng kiến mực nước lũ lên cao nhất trong lịch sử", David Shankman, nhà địa lý học đại học Alabama, chuyên nghiên cứu về lũ lụt Trung Quốc, nói. "Thực tế là Tam Hiệp không thể ngăn chặn những trận mưa lũ nghiêm trọng như vậy".
Trong cuộc họp báo hôm 13/7, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Xuân cho rằng "kế hoạch chi tiết" về xả nước trong hồ chứa, đặc biệt là Tam Hiệp, đã tỏ ra hiệu quả trong việc kiểm soát lũ năm nay.
Ông cho biết 64,7 tỷ mét khối nước lũ đã được trữ lại trong 2.297 hồ chứa, bao gồm 2,9 tỷ mét khối tại Tam Hiệp.
Công ty vận hành Dự án Tam Hiệp hôm 11/7 cũng cho biết việc xả lũ xuống hạ lưu đã giảm một nửa kể từ 6/7, giúp "giảm tốc độ và mức nước sông dâng cao ở vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang một cách hiệu quả". Tổng lượng nước lũ được tích trữ đạt 88% tổng dung tích các hồ chứa.
Tuy nhiên, những phần khác của sông Trường Giang, các sông nhánh và hồ điều hòa lớn của nó như Động Đình ở Hồ Nam và Bà Dương ở Giang Tây đều đạt mức cao kỷ lục.
Fan Xiao, nhà địa chất người Trung Quốc từ lâu luôn phê phán các dự án xây đập khổng lồ, cho biết khả năng lưu trữ nước tại Tam Hiệp chưa tới 9% lượng nước lũ trung bình.
"Nó chỉ có thể ngăn chặn một phần và tạm thời lũ lụt ở thượng nguồn, nhưng không thể ngăn chặn lũ gây ra bởi mưa lớn ở vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang", ông nói.
Fan cho biết Tam Hiệp và các dự án đập thủy điện lớn khác thậm chí có thể khiến lũ lụt tồi tệ hơn do thay đổi dòng chảy trầm tích dưới lòng sông Trường Giang. Việc xây đập để phát điện cũng hạn chế chức năng kiểm soát lũ của dự án.
"Khi người ta chỉ xem xét sử dụng hồ điều hòa để giải quyết lũ lụt, họ thường xem nhẹ hoặc bỏ qua điều kiện tự nhiên của sông ngòi và hồ chứa để điều tiết lũ", Fan nói.
Người dân chèo thuyền di chuyển trong nước lũ ở thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, hôm 11/7. Ảnh: Reuters.
Shankman cho rằng đập Tam Hiệp giúp giảm lũ trong những năm bình thường, nhưng nó luôn dễ bị tổn thương trước thời tiết khắc nghiệt hơn và vấn đề càng trầm trọng hơn khi vùng bãi bồi ở hạ lưu bị thu hẹp.
"Hồ điều hòa đập Tam Hiệp không có khả năng tác động đáng kể tới những cơn lũ nghiêm trọng nhất, trong khi khả năng tích nước lũ dọc vùng trung lưu sông Trường Giang giảm đi vì những con đê kiên cố được xây dựng sẽ ít bị vỡ hơn", Shankman giải thích. "Cả hai yếu tố góp phần gây ra hiện tượng lũ lụt này".