Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi đã đại diện cho bên trung gian hòa giải nhằm giải quyết cuộc xung đột B.L vốn đang leo thang tại Libya, giữa một bên là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) và bên kia là Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Cuộc họp 3 bên tại thủ đô Cairo đã ghi nhận sự tham gia trực tiếp của người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya - Tướng Khalifa Haftar và Chủ tịch Quốc hội của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya Aguila Saleh. Kết thúc cuộc họp quan trọng này, các nhà lãnh đạo đã tuyên bố về một sáng kiến chính trị chung nhằm hướng tới chấm dứt cuộc xung đột hiện nay tại Libya.
Sáng kiến chính trị chung - hay còn gọi là “Tuyên bố Cairo”, đã vạch ra một giải pháp có tính nền tảng để giải quyết cuộc nội chiến hiện nay dựa trên các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và các nỗ lực hòa giải trước đó tại Pháp, Italia, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và gần đây nhất là Hội nghị thượng đỉnh Berlin vào tháng 1/2020.
Theo đó, Tuyên bố Cairo kêu gọi một lệnh ngừng bắn cần được thực hiện bắt đầu từ 6 giờ sáng (giờ địa phương) ngày mai (8/6), với sự tuân thủ nghiêm chỉnh đối với các sáng kiến hòa bình quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm đảm bảo tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Libya.
Sáng kiến này cũng đề nghị các bên liên quan tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình của Ủy ban Quân sự chung 5 + 5 do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại Geneva; đồng thời, yêu cầu tất cả các nước hiện đang can dự vào cuộc nội chiến Libya phải rút toàn bộ lực lượng đánh thuê trên toàn lãnh thổ nước này, giải tán các nhóm dân quân và chuyển giao vũ khí để mở đường cho lực lượng Quân đội Quốc gia Libya hợp tác với lực lượng an ninh nhằm thực thi các nhiệm vụ quân sự.
Cũng theo Tuyên bố Cairo, các bên cần giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị thông qua việc đảm bảo một sự đại diện công bằng cho 3 tỉnh Tripoli, Cyrenaic và Fezzan của Libya với một hội đồng Tổng thống được bầu chọn, dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc để điều hành đất nước lần đầu tiên trong lịch sử của nước này.
Tuyên bố Cairo cũng là điểm khởi đầu nhằm thống nhất các cơ quan, tổ chức của Libya và cho phép các cơ quan này thực thi các nhiệm vụ; trong đó có đảm bảo sự phân bổ nguồn tài nguyên một cách công bằng và minh bạch đến tất cả người dân Libya. Điểm mấu chốt mà sáng kiến đưa ra là việc thông qua một tuyên bố hiến pháp nhằm chi phối về mặt chính trị trong giai đoạn sắp tới.
Các nhà quan sát khu vực cho rằng, đây là một bước tiến rất quan trọng mà Ai Cập đã tạo dựng nhằm tích cực thúc đẩy tiến trình chính trị giải quyết bất ổn và chấm dứt khủng hoảng kéo dài tại đất nước Bắc Phi này