Theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và internet. Tính đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Tỷ trọng giao dịch tại ATM năm 2018 thông qua hệ thống NAPAS chiếm 62%, năm 2019 giảm còn 42% trong khi tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng năm 2018 là 26%, năm 2019 tăng lên 48%. Điều này thể hiện sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng hàng ngày bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.
Ngoài ra, thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường. Đến cuối năm 2019 đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với thuế, hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng. Đặc biệt, 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ tiền gửi thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%. 30 bệnh viện cũng đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Ông Dũng nói rằng trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21% so với 3 tháng đầu năm 2019. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 20 ngày đầu tháng 4.2020 tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.
Khảo sát của VISA cũng ghi nhận 74% người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng công cụ không tiền mặt vì họ cho rằng phương tiện chấp nhận thanh toán đang nhiều lên, đồng nghĩa việc mang tiền mặt sẽ được hạn chế. Khoảng 37% người tiêu dùng đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc tại Việt Nam và 42% trong số đó thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động. Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, có 85% người thanh toán một lần một tuần hoặc nhiều hơn.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng cho biết trên thực tế, thói quen là rào cản lớn nhất khiến thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến, do đó cần cú hích lớn để thay đổi thói quen này. Ông Dũng cho rằng thói quen chỉ thay đổi khi người ta thấy rõ được lợi ích và sự tiện lợi, chưa kể dịch vụ phải thật đa dạng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải kết nối hệ sinh thái số của ngân hàng với các nền kinh tế khác như điện, nước, viện phí, học phí... để thanh toán điện tử.
Trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước nói rằng sẽ tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số. Cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ ngành, lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái.