Sáng 18/5, tại Quảng Trị, Bộ GTVT đã phát lệnh thi công gói thầu XL-CY-06 thuộc dự án Cải tạo nâng cấp, cầu yếu. Gói thầu do Ban QLDA Đường sắt, Liên danh nhà thầu Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 - Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa thực hiện.
Gói thầu XL-CY-06 là gói thầu xây lắp thứ 2 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM (dự án cầu yếu). Trong gói này sẽ cải tạo 15 cầu thuộc dự án cải tạo 129 cầu yếu.
Đây là dự án có mục tiêu từng bước thay thế các cầu yếu, đồng nhất tải trọng khai thác 4,2 T/m trên toàn tuyến nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao sản lượng và năng lực vận tải đường sắt; góp phần cải tạo hệ thống hạ tầng của ngành đường sắt, nâng cao tốc độ chạy tàu trên tuyến và đảm bảo an toàn chạy tàu nói chung.
Đồng thời, các dự án này còn tập trung xây dựng một số trụ chống va xô nhằm hạn chế thấp nhất những tổn thất về người và tài sản do va chạm của các phương tiện vận tải đường thủy nội địa đối với các công trình đường sắt trên tuyến Hà Nội-TPHCM.
Cầu Rồng Lớn (Km 641+700 đường sắt Bắc Nam), thuộc địa phận xã Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị là một trong số những cầu yếu được cải tạo lần này.
Phát biểu và phát lệnh ra quân triển khai thi công Gói thầu XL-CY-06, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong quy hoạch phát triển đường sắt quốc gia, bên cạnh việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt mới tiêu chuẩn 1435, tuyến đường sắt hiện hữu trên tuyến đường sắt Bắc Nam sẽ được cải tạo, nâng cấp phục vụ cho vận tải hàng hóa, vận chuyển hành hành khách ở cự ly ngắn.
“Với 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam, trong đó có giao chủ đầu tư là Ban QLDA đường sắt, Ban QLDA 85. Để đáp ứng tiến độ hoàn thành tiến độ dự án vào năm 2021 thuộc kế hoạch vốn đã bố trí, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn thành công tác thiết kế dự án và lựa chọn nhà thầu tất cả các gói thầu còn lại nhằm đảm bảo khởi công đồng loạt chậm nhất là trong tháng 8/2020”, Thứ trưởng yêu cầu.
Thứ trưởng yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công khẩn trương huy động đầy đủ nhân lực, vật lực để triển khai thi công, đồng thời trong quá trình thi công phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu. Chấp hành nghiêm túc các quy định của Pháp Luật quy định, chỉ đạo của Bộ GTVT, của địa phương trong việc triển khai thi công công trình trong điều kiện, thỏa thuận đã ký kết; chú trọng công tác quản lý chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị quản lý đường sắt, các cục, vụ của Bộ hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thi công.
Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam sử dụng nguồn vốn 7.000 tỷ đồng, thực hiện theo Nghị quyết số 556 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách.
4 dự án đường sắt gồm: Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn; gia cố các hầm yếu kết hợp với mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang. Toàn bộ các dự án sẽ được khởi công trong năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021.