Tin liên quan
Xem Video: 26 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 1 với Covid-19
//
bệnh viện Bạch Mai đề nghị chuyển bớt bệnh nhân về địa phương
Chiều 8.4, báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.Hà Nội, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết: CDC đã hoàn thành giai đoạn 1 việc lấy mẫu xét nghiệm ở bệnh viện Bạch Mai. Tin vui là không có thêm một trường hợp y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện Bạch Mai nào được phát hiện mắc Covid-19.
Theo ông Cảm, tổng số lấy mẫu xét nghiệm là 15.400 mẫu, tất cả các xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2.
Ông Cảm cũng cho biết, theo danh sách bệnh viện Bạch Mai cung cấp, ngoài số cán bộ y tế và nhân viên y tế, từ 10 - 28.3, có khoảng 20.000 đến 25.000 người đã ra vào bệnh viện Bạch Mai, hiện Hà Nội mới tìm được gần 16.000 người, còn khoảng 4.000 - 5.000 người chưa khai báo, chưa được xét nghiệm.
“Đề nghị các quận huyện tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến bệnh viện Bạch Mai để tổ chức cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm”, ông Cảm nói.
Liên quan đến công tác khử khuẩn tại bệnh viện Bạch Mai, ông Cảm cho biết CDC và bệnh viện đã phối hợp và triển khai tốt việc này.
"Bên trong buồng bệnh và liên quan đến buồng bệnh thì bệnh viện Bạch Mai tổ chức khử khuẩn thường xuyên, vì Bạch Mai là đầu ngành về kiểm soát nhiễm khuẩn rồi. Bên ngoài thì CDC phối hợp với Bộ Tư lệnh Hóa học khử khuẩn. Chúng tôi cũng đã phối hợp với bệnh viện Bạch Mai khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà ăn nơi nhân viên Công ty Trường Sinh và Công ty Hoàn Mỹ ăn ở", theo ông Cảm.Tại cuộc họp, GS Ngô Quý Châu, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện Bạch Mai, cũng cập nhật tình hình và cho biết, từ sau khi phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên, bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành khử khuẩn các phòng bệnh 2 - 3 lần/ngày.
GS Châu cũng cho biết, bệnh viện Bạch Mai đã trao đổi với lãnh đạo Trung tâm dinh dưỡng và được xác nhận, từ 10 - 28.3, toàn bộ nhân viên Công ty Trường Sinh chỉ ở trong bệnh viện chứ không ra ngoài, do đặc thù công việc là bắt đầu rất sớm và kết thúc rất muộn.
"Hiện nay, chúng tôi vẫn nhận một số bệnh nhân nặng, các nơi khác không xử lý được. bệnh viện cũng đã liên hệ CDC các tỉnh, sau khi thống nhất kế hoạch, đề nghị những bệnh nhân ổn định lâm sàng, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, thì chuyển về CDC các tỉnh để cách ly theo dõi tại địa phương", GS Châu nói.
Phấn đấu xét nghiệm hết 9.000 người liên quan
Liên quan đến thông tin về nhân viên Công ty Trường Sinh của GS Ngô Quý Châu, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: "Thông tin này khiến chúng ta thở phào nhẹ nhõm", bởi nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng đã được giảm thiểu.
Ngoài số 22 nhân viên mắc Covid-19 của Công ty Trường Sinh đã được phát hiện, các nhân viên công ty này đi cùng 34 cán bộ y tế của bệnh viện Bạch Mai xuống cơ sở 2 ở Hà Nam cũng được phát hiện và xét nghiệm ngay. "Việc lây nhiễm từ nhân viên Công ty Trường Sinh cơ bản đã yên tâm, cơ bản số dương tính đã được đưa vào điều trị", ông Chung nhận định.
"Tất cả các bộ, y tá, bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai cũng đã được xét nghiệm. Có những khoa đã được xét nghiệm lần thứ 3 đều cho kết quả âm tính, chỉ xác định hiện 2 điều dưỡng mắc Covid-19, 1 người đã ra viện. Các sinh viên, học sinh đến đây học, thành phố rà soát được hơn 3.000 người, thì xét nghiệm hơn 2.000 cũng đều âm tính".
"1.592 bệnh nhân được chuyển tuyến của Hà Nội cũng âm tính. Số người vào thăm thân, trông nom, khám ngoại trú có 25.000 người thì hiện xét nghiệm được 16.000 người. Đang xác minh số xe ôm, lái xe taxi… ở quanh bệnh viện. Tuy nhiên, với ổ dịch Bạch Mai, cho đến hôm nay, với các số liệu tổng kết được, đã có thể tương đối yên tâm là chúngta đã kiểm soát tốt", ông Chung nói.
Nhưng với số người liên quan đến "yếu tố Bạch Mai" từ ngày 24 - 28.3, ông Chung cho rằng vẫn còn phải cảnh giác vì còn có nguy cơ, đặc biệt là những trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng nhưng vẫn có thể gây lây nhiễm.
Còn khoảng 9.000 người liên quan đến "yếu tố Bạch Mai", Chủ tịch UBND TP.Hà nội yêu cầu phấn đấu từ nay đến 12.4 sẽ xét nghiệm hết, bằng cả 2 phương pháp: test nhanh và Realtime PCR.