Tin liên quan
Tình hình dịch COVID-19 ở Iran - nước có dịch nghiêm trọng nhất Trung Đông - ngày càng đáng lo ngại.
Trong ngày 14-3 Iran có thêm gần 100 người chết, đưa số người chết từ đầu dịch đến giờ ở nước này lên 611, kênh Channel News Asia dẫn số liệu từ Bộ Y tế Iran. Iran cũng đang có tới 12.729 ca nhiễm.
Lây nhiễm khả năng sẽ còn tệ hơn
Nhà chức trách y tế Iran lo ngại tốc độ lây nhiễm của nước này sẽ còn cao hơn khi Iran bước vào năm mới Nowruz (Tết Ba Tư - bắt đầu từ ngày 20-3), khi người dân tăng di chuyển qua lại giữa các địa phương.
Phun khử trùng đường phố thủ đô Tehran ngày 13-3 nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan. Ảnh: AFP
Ngày 14-3, ông Anoushirvan Mohseni-Bandpey - Thống đốc thủ đô Tehran bác thông tin chính quyền đang có kế hoạch phong tỏa Tehran. Trước đó nhiều người viết trên mạng xã hội rằng cư dân Tehran không được phép ra khỏi nhà từ ngày hôm nay (15-3).
“Thống đốc chính quyền Tehran bác bất cứ tin đồn nào về phong tỏa Tehran, đây là lời nói dối trắng trợn” – truyền hình nhà nước Iran tuyên bố.
Giờ làm việc trong các văn phòng chính phủ sẽ không thay đổi trong những ngày tới, các siêu thị lớn sẽ kéo dài giờ bán hàng, truyền hình nhà nước Iran dẫn lời Thống đốc Mohseni-Bandpey.
Ngày 13-3, truyền thông nhà nước Iran cho biết binh sĩ sẽ được triển khai ra các tuyến đường khắp Iran trong một ngày để buộc người dân quay về nhà ngăn lây dịch, sau khi có phàn nàn rằng nhiều người dân không coi trọng đề nghị ở nhà, tránh đi lại của nhà chức trách.
Tổng thống cầu cứu các nước
Trong bối cảnh dịch ngày càng diễn tiến xấu, ngày 14-3 Tổng thống Hassan Rouhani của Iran đã phải viết thư gửi đến một số người đồng cấp một số nước đề nghị họ giảm nhẹ trừng phạt Iran. Thông tin này được Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thông báo trên Twitter, nhưng không nói rõ thư được gửi đến các lãnh đạo của những nước nào.
“Trong thư gửi đến những người đồng cấp, Tổng thống Hassan Rouhani thông báo công tác chống đại dịch COVID-19 ở Iran bị các lệnh trừng phạt ở Mỹ “cản trở nghiêm trọng thế nào”, đề nghị họ giảm giám sát chúng (trừng phạt của Mỹ với Iran)” – Ngoại trưởng Zarif viết trên Twitter.
“Thật vô đạo đức khi để một kẻ bắt nạt giết những người vô tội” – theo ông Zarif.
dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng đến kinh tế Iran, đặc biệt lĩnh vực dầu mỏ, khi nhiều nước láng giềng và đối tác thương mại đóng cửa biên giới với Iran. Từ ngày 12-3 đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay 5 tỉ USD để chi khẩn cấp chống dịch.
Trước dịch thì kinh tế Iran cũng đã bị trừng phạt của Mỹ (phần lớn nhắm vào xuất khẩu dầu khí của Iran) làm cho điêu đứng. dịch COVID-19 làm các hoạt động kinh tế ở Iran càng chậm lại. Việc các nước đóng cửa biên giới với Iran càng làm cho kinh tế Iran thêm thất bát, nhiều nhà phân tích nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục trừng phạt lên các lĩnh vực quan trọng của Iran sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với Iran và nhóm P5+1 năm 2015.
Ông Trump hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và cắt giảm ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông. Phần mình Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình nhằm mục đích hòa bình và chương trình tên lửa nước này chỉ vì mục đích phòng thủ và ngăn chặn.