Thưởng tết Nguyên đán 2020 lên tới 1 tỷ đồng
Số liệu tổng hợp từ báo cáo của 40 tỉnh, thành phố, với 24.907 doanh nghiệp được báo cáo (tương ứng với 3,155 triệu lao động, chiếm khoảng 12,8% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước về thưởng tết năm 2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, mức thưởng cao nhất cho 1 cá nhân dịp Tết Nguyên đán là 950 triệu đồng/người tại doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa sinh học tại tỉnh Hải Dương.
Mức thưởng cao nhất cho 1 cá nhân dịp Tết Dương lịch năm 2020 là 3,5 tỷ đồng tại doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực ngân hàng tại Tp.HCM.
Tại Hà Nội, kết quả thống kê từ gần 6.200 doanh nghiệp cho thấy mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay cao nhất thuộc về doanh nghiệp dân doanh với mức 420 triệu đồng/người. Thưởng Tết Dương lịch cao nhất 70 triệu đồng/người thuộc về khối doanh nghiệp FDI.
Bình Dương thưởng Tết Nguyên đán cao nhất trên địa bàn 350 triệu đồng/người, trong khi số tiền này ở Khánh Hòa là 122 triệu đồng/người thuộc về khối doanh nghiệp dân doanh.
Một doanh nghiệp FDI tại Quảng Nam thưởng Tết Canh Tý 2020 cao nhất đạt 500 triệu đồng/người. Tại Thừa Thiên - Huế, qua khảo sát 91 doanh nghiệp, người lao động đang được thưởng Tết Nguyên đán nhiều nhất là 126 triệu đồng, mức thưởng bình quân dao động 3,5-9 triệu đồng/người.
Với khối ngân hàng, mức thưởng phổ biến là 2 - 4 tháng lương tùy theo mức độ hoàn thành công việc, cộng với mỗi người được thêm 1 tháng lương thứ 13. Với mức thưởng phổ biến này, tiền thưởng tết và lương tháng 13 mà nhân viên ngân hàng được nhận có thể lên tới hàng trăm triệu đồng (có những nhân viên lương tháng giao động từ 50 triệu – 80 triệu đồng/tháng).
Bất cập thưởng to - thuế nặng
Theo quy định hiện nay, số tiền thưởng Tết càng lớn thì mức thuế thu nhập cá nhân mà người lao động phải chịu lại càng cao hơn.
Như trường hợp của anh Hải (nhân viên xây dựng tại Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Số tiền thưởng tết và lương tháng 13 của anh Hải sau khi trừ tất cả phần được miễn thuế, thu nhập anh Hải trước Tết là 80 triệu đồng. Số tiền này thì phải chịu thuế suất lũy tiến lên tới 35% theo hiện hành, nghĩa là sẽ bị trừ gần 30 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Một con số quá lớn khiến ai cũng ngỡ ngàng.
Trường hợp của anh Bùi Linh (nhân viên ngân hàng ở Hà Nội) cũng tương tự. Theo chính sách của ngân hàng anh Linh, tết Nguyên đán 2020 chỉ được tạm ứng 1 tháng lương và 1 tháng lương 13. Tổng cộng anh có hơn 40 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế anh Linh nhận về hụt gần 5 triệu bởi mức thuế suất lũy kế cho khoản thu nhập cá nhân của anh lên tới 20%.
"Tiền thưởng hay tiền công đều là mồ hôi công sức của người lao động bỏ ra trong suốt quá trình lao động mệt mỏi, không nên có những khoản trừ thuế lớn đến như vậy", anh Linh cho hay.
Thuế thu nhập với tiền thưởng Tết hiện cũng dựa theo biểu thuế lũy tiến từng phần như với thu nhập từ tiền lương, với 7 bậc từ 5% đến 35% tương ứng với số tiền chịu thuế. Trong đó, thu nhập tính thuế càng cao mức thuế suất áp dụng càng lớn. Đặc biệt đối với trường hợp doanh nghiệp trả lương tháng 13 gộp cùng với thưởng Tết, người lao động sẽ phải chịu nhiều thuế thu nhập cá nhân hơn do số tiền chịu thuế bị công dồn lên bậc cao hơn.
Dựa theo biểu lũy kế này, với số tiền thưởng tết (sau giảm trừ) lần lượt là 10, 50, 100, 200, 500 triệu, người lao động sẽ phải nộp số tiền thuế tương ứng lần lượt là 0.75, 9.25, 25.15, 60.15 và 165.15 triệu đồng. Có thể thấy nếu bạn được thưởng Tết nửa tỷ đồng, số tiền nộp thuế sẽ tương đương với 2 chiếc xe máy SH... Hay như khoản tiền thưởng tết gần 1 tỷ đồng của 1 cá nhân tại doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa sinh học tại tỉnh Hải Dương kể trên, số thuế phải nộp lên tới trên 300 triệu đồng – bằng 1/3 số tiền thưởng.
Theo các chuyên gia, thuế suất thuế thu nhập cá nhân chia làm 7 bậc, từ 5% đến 35% là rất dày và rất cao so với nhiều nước trong khu vực như: Singapore, Malaysia... Một số ý kiến cho rằng, mức thuế đánh như hiện nay là không hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Vì vậy, chỉ nên giảm xuống 4 bậc thay vì 7 bậc như hiện nay. Và quan trọng hơn là đối với những người có thu nhập từ 5- 10 triệu đồng/tháng chỉ nên áp dụng mức thuế hợp lý. Mức thuế suất áp dụng tối đa chỉ nên là 20% thay vì 35% như hiện nay.
Cũng có ý kiến cho rằng, hiện mức thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm, mức thuế thu nhập cá nhân cũng nên giảm theo.
Cụ thể, mức thuế thu nhập cá nhân tính lũy tiến, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35% đang được áp dụng hiện nay làm tỉ lệ thuế trên thu nhập là khá cao. Thuế thu nhập doanh nghiệp trước đây là 32% doanh thu, sau các lần điều chỉnh, đã giảm dần xuống lần lượt còn 28%, 25% và hiện nay là 20%. Trong khi đó thuế thu nhập cá nhân từ khi có biểu thuế hiện nay cao nhất vẫn là 35%.