Kỷ nguyên thanh toán di động đang nở rộ tại Việt Nam
Cuộc khảo sát được thực hiện với 383 người dùng thanh toán di động tại TP.HCM và Hà Nội có độ tuổi từ 18 - 39 (46% nam giới và 54% nữ giới) để cho thấy động lực, cách sử dụng và các ứng dụng phổ biến của người dùng thanh toán di động Việt Nam.
Kết quả chỉ ra rằng, động lực chính của việc người dùng hướng đến thanh toán di động bắt nguồn từ tính dễ sử dụng, nhanh chóng và thuận tiện. 70% sử dụng thanh toán di động ít nhất một lần một tuần, trong đó 21% sử dụng mỗi ngày. Phần lớn người khảo sát cho biết nạp tiền điện thoại di động là dịch vụ được họ sử dụng nhiều nhất, tiếp theo là chuyển tiền và thanh toán mua sắm trực tuyến.
Những lý do chính được người dùng đưa ra để chọn lựa thanh toán di động
Ứng dụng thanh toán nào được sử dụng nhiều nhất?
Việt Nam được Q&Me ghi nhận là quốc gia có tốc độ phát triển phương thức thanh toán di động nhanh nhất vào năm ngoái. Hiện tại, có khoảng 30 ví điện tử đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, MoMo, ViettelPay, Moca, AirPay và ZaloPay chiếm đến 94%.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp, MoMo hiện được ghi nhận là ứng dụng thanh toán di động dẫn đầu, trong cả nhãn hiệu nghĩ đến đầu tiên lẫn mức độ nhận biết. Cụ thể, nhãn hiệu được nghĩ đến đầu tiên thuộc về MoMo với mức 77%, trong khi ViettelPay và Moca ở các vị trí tiếp theo cùng đạt tỷ lệ 5%. Đối với mức độ phổ biến, MoMo đứng đầu với mức 97%, trong khi ZaloPay tiếp theo ở mức 68%, còn ViettelPay và Moca ở vị trí thứ 3 (62%) và 4 (46%) tương ứng.
MoMo là cái tên được nghĩ đến nhiều nhất về thanh toán di động
Khi xem xét thị trường thanh toán di động, MoMo tiếp tục dẫn đầu khi chiếm 68%, trong khi ViettelPay ở vị trí thứ 2 với 8%, Moca và AirPay ở vị trí thứ 3 và 4 với các mức tương ứng 7% và 6%.
Lý do người dùng chọn các dịch vụ thanh toán di động bắt nguồn từ các chương trình khuyến mãi và dịch vụ tốt. Trong đó, MoMo nổi tiếng là dịch vụ hỗ trợ tại nhiều cửa hàng cùng nhiều chương trình ưu đãi khuyến mãi tốt.
Việc thanh toán di động được thực hiện phổ biến nhất là các cửa hàng tiện lợi, tiếp theo là siêu thị, quán cà phê, trà sữa, nhà hàng, thanh toán tiện ích (điện, nước, dịch vụ internet, TV) và thanh toán tài chính.
MoMo cũng là dịch vụ thanh toán di động được sử dụng nhiều nhất
Đâu là rào cản cho thanh toán di động?
Sự phát triển của các dịch vụ thanh toán di động trong thời gian qua là khá nhanh chóng, tuy nhiên không phải vì vậy mà ai cũng sẵn sàng sử dụng dịch vụ này. Một trong những nguyên nhân chính là vì thanh toán di động chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn do một bộ phận người dân vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, và bản thân họ cũng chưa đặt niềm tin vào ví điện tử.
Q&Me ghi nhận, trong số các tài khoản với ngân hàng liên kết với ví điện tử, Vietcombank là phổ biến nhất (44%), tiếp theo là Agribank (18%), BIDV (18%), Vietinbank (17%), Sacombank (13%), Techcombank (12%), VPBank (11%) và ACB (9%).
Những lý do khiến người dùng chưa muốn sử dụng thanh toán di động
Về niềm tin, 32% người dùng cảm thấy lo lắng về việc bảo mật dữ liệu và họ không thật sự tin tưởng vào các ứng dụng thanh toán, đặc biệt là các hành vi hack của tội phạm mạng. Họ cũng lo ngại thông tin cá nhân của mình có để bị đánh cắp khi sử dụng các dịch vụ ví điện tử.
Rõ ràng, lấy niềm tin của khách hàng và khiến khách hàng sử dụng ví điện tử là thử thách thực sự dành cho các doanh nghiệp bởi khi khách hàng trao niềm tin thì doanh nghiệp mới có cơ hội triển khai dịch vụ và mời chào những tiện ích của mình.
Ngoài các nguyên nhân trên còn có những nguyên nhân khác như người dùng không biết cách sử dụng các ứng dụng thanh toán di động, cũng như số lượng cửa hàng hỗ trợ thanh toán ứng dụng bị hạn chế mà chỉ ủng hộ phương thức thanh toán bằng tiền mặt.