Tuy nhiên từ trước đó, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an thành phố đã chủ động phân tích, đánh giá những yêu cầu của thực tiễn tình hình đặt ra đối với công tác đảm bảo ANTT tại cấp cơ sở. Tháng 11-2017, Đề án “Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội” (viết tắt là Đề án số 03) sau thời gian nghiên cứu, xây dựng hết sức khẩn trương, nghiêm túc đã được ban hành.
Quyết liệt chủ trương, kỹ càng biện pháp
Một thực tế phải nhìn nhận, đó là tình hình ANTT ở cơ sở thời gian qua đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp. Tình hình khiếu kiện gia tăng cả về tính chất, mức độ, thành phần và quy mô, trong đó nguyên nhân chủ yếu phát sinh từ vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để triển khai các dự án. Tình hình tội phạm và vi phạm Pháp Luật về Hình Sự, kinh tế, ma túy, môi trường... ở địa bàn nông thôn có chiều hướng gia tăng.
Điều này được lý giải phần nào do quá trình đô thị hóa, nhiều vùng đất nông nghiệp được thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf, khu du lịch... làm nhân dân không còn đất để canh tác dẫn đến tình trạng thất nghiệp, phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cần phải tăng cường lực lượng để giữ vững ANTT ngay từ cơ sở, chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời, giải quyết dứt điểm tại chỗ các vụ việc, các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh trở thành “điểm nóng”. Tuy nhiên trong bối cảnh ấy, lực lượng Công an xã đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; nhiều địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác bảo đảm ANTT.
Tháng 10-2016, căn cứ quy định của Bộ Công an về điều động sĩ quan, hạ sĩ quan CAND đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về ANTT, Công an Hà Nội đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã tại 13 xã trọng điểm, phức tạp thuộc 9 huyện. 137 cán bộ, chiến sỹ được điều động về 23 xã hôm 1-4 vừa qua, là giai đoạn quan trọng tiếp theo của Đề án số 03...
Chưa hết, liên tục và trong thời gian tương đối dài, CATP đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp tăng cường, củng cố, kiện toàn lực lượng Công an xã, như: tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định về kiện toàn tổ chức, chế độ chính sách đối với lực lượng Công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội; ban hành Đề án tăng cường nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng Công an xã trên địa bàn thành phố, mở các lớp đào tạo trung cấp Công an xã, bồi dưỡng nghiệp vụ, Pháp Luật cho lực lượng Công an xã... .
Để tăng cường công tác bảo đảm ANTT tại các khu vực trọng điểm, phức tạp về ANTT, CATP đã báo cáo và được Bộ Công an cho phép thành lập 39 Đồn Công an thuộc 17 Công an huyện, thị xã để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn 182 xã (trong đó, có 123 xã trọng điểm, phức tạp về ANTT). Việc tăng cường bố trí lực lượng Công an tại cơ sở, đặc biệt các Đồn Công an khu vực trọng điểm, phức tạp về ANTT đã tạo nhiều chuyển biến tích cực về tình hình ANTT tại nhiều địa bàn. Mô hình Đồn Công an là “điểm sáng” trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, một số mô hình bố trí lực lượng Công an chính quy tại cơ sở bộc lộ những hạn chế, cần được nghiên cứu, đánh giá đề ra phương án bố trí lực lượng phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo ANTT từ cơ sở. Những yếu tố khách quan và chủ quan này là cơ sở để Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP quyết liệt chỉ đạo phòng chức năng khẩn trương, nghiêm túc khảo sát, nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án số 03 - Đề án được tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng của 407 xã, thị trấn; được thảo luận, lấy ý kiến từ cấp cơ sở; có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy địa phương để tranh thủ ý kiến; tổ chức khảo sát thực tế, tranh thủ kinh nghiệm của một số địa phương để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện phù hợp với đặc điểm của địa bàn Hà Nội.
Buổi giao ban hàng ngày của Công an xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội
Công an xã thời 4.0
Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74 diễn ra đầu tháng 1-2019, đồng chí Đoàn Duy Khương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP đã tham luận về chủ đề: “Quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Bộ Công an về xây dựng “huyện toàn diện, xã bám cơ sở” trong lực lượng CATP Hà Nội”.
Toát lên trong phát biểu của Giám đốc CATP là ý thức sâu sắc đối với chủ trương xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng Công an cấp huyện, xã “toàn diện”, “bám sát cơ sở”, chính là nền tảng bố trí thế trận an ninh, góp phần quan trọng xây dựng lực lượng CAND vững chắc từ cơ sở, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Không chỉ đảm bảo yêu cầu về số lượng, theo người đứng đầu CATP, để đáp ứng tiêu chí “xã bám cơ sở”, cán bộ Công an xã phải có khả năng nắm tình hình, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; có khả năng phòng ngừa, phát hiện, xử lý vụ việc phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở; làm tốt công tác dân vận, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; có những kiến thức, kỹ năng cần thiết, nhất là phong tục tập quán địa phương.
“Xã bám cơ sở” - Đề án số 03, đã được CATP báo cáo lãnh đạo Bộ và thành phố cho triển khai thực hiện theo lộ trình đến năm 2020 sẽ bố trí Công an chính quy tại 386/386 xã.
Lộ trình này đã và đang được CATP gấp rút đẩy nhanh tiến độ, bởi chỉ sau thời gian ngắn triển khai việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an, đã có được nhiều kết quả tích cực. Cán bộ Công an chính quy về xã hầu hết được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, có kiến thức Pháp Luật, có kinh nghiệm công tác... Vì vậy, việc nắm và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Công an cấp trên về công tác đảm bảo ANTT tại các xã, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo đúng Pháp Luật, quy định của ngành, tính chuyên sâu trong hoạt động nghiệp vụ Công an; việc xử lý tình hình kịp thời và đạt hiệu quả cao hơn, ít xảy ra các vi phạm Pháp Luật trong thực thi nhiệm vụ.
Các vụ việc về ANTT ở các xã cơ bản được giải quyết theo đúng chức năng và thẩm quyền được giao; tạo điều kiện thuận lợi cho các Đội nghiệp vụ thuộc Công an huyện thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến địa bàn xã.
Đại tá Nguyễn Viết Chuẩn (nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ CATP Hà Nội), người có hơn 40 năm công tác trong ngành Công an chia sẻ, ông cảm nhận được quyết tâm lớn của Công an Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn Thủ đô, qua việc chủ động nghiên cứu, xây dựng và ban hành Đề án số 03; bởi điều đó giúp lực lượng Công an ở cấp cơ sở sẽ được tăng cường, gắn bó chặt chẽ hơn với nhân dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.