Vừa qua, một số trường đại học (ĐH) (Đồng Nai, Hùng Vương) công bố điểm trúng tuyển năm 2019, có những ngành sư phạm điểm chuẩn cao chót vót nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển. Nhà trường giải thích do thí sinh trúng tuyển quá ít nên điểm chuẩn nâng cao để đánh rớt thí sinh. PLO đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH - Bộ GD&ĐT về vấn đề này.
. PV: Việc trường ĐH Đồng Nai, Hùng Vương công bố điểm trúng tuyển năm 2019, có những ngành điểm chuẩn cao chót vót nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển. Nhà trường giải thích do thí sinh trúng tuyển quá ít nên điểm chuẩn nâng cao để đánh rớt thí sinh. Ý kiến của Bộ về vấn đề này như thế nào?
+ TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Thực tế thì tất cả trường đều mong muốn tuyển sinh được hết chỉ tiêu. Nhưng một số trường, trong điều kiện quá ít thí sinh trúng tuyển, không đủ số lượng để mở lớp và duy trì lớp học nên một số trường đã nâng điểm trúng tuyển lên cao để thí sinh được chuyển sang xét tuyển ở nguyện vọng tiếp theo hoặc tham gia xét tuyển đợt sau. Chúng tôi hiểu được có nhiều lý do dẫn đến cách lựa chọn của trường, chủ yếu là các trường phải cân đối từ nguồn học phí; tính toán đến hiệu quả của hoạt động đào tạo… Tuy nhiên, cách giải quyết trên vẫn chủ yếu xuất phát từ góc độ của cơ sở đào tạo.
Ở góc độ đảm bảo quyền của người học, do cách thức đó của các trường dẫn đến thí sinh có thể không trúng tuyển đợt 1 hoặc không trúng tuyển vào nguyện vọng mà các em ưu tiên chưa được tính đến một cách đầy đủ.
Mặc dù, trong điều kiện các trường tự chủ tuyển sinh và thí sinh tự do đăng ký xét tuyển, không giới hạn nguyện vọng thì cách làm của trường không vi phạm quy định cụ thể nào của quy chế tuyển sinh nhưng nhà trường nên tính đến nguyện vọng của thí sinh, nhất là khi các thí sinh đã lựa chọn trường mình để đăng ký xét tuyển. Có những cách tốt hơn như chúng tôi đã từng khuyến nghị, hướng dẫn thực hiện thời gian qua. Sau khi có thông tin về đăng ký xét tuyển ban đầu, nếu trường thấy có khả năng không đủ điều kiện mở lớp thì cần thông tin đầy đủ cho các em trước hoặc trong thời gian thay đổi nguyện vọng hoặc báo cáo Bộ GD&ĐT đề xuất và hỗ trợ cách giải quyết hoặc thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi thông tin với các thí sinh về khả năng, điều kiện của trường và các phương án mà thí sinh có thể lựa chọn… nhưng rất tiếc là một số trường đã không thực hiện.
. Vậy hướng xử lý của Bộ về trường hợp này như thế nào?
+ Trong điều kiện các trường tự chủ tuyển sinh, các thí sinh được tự do lựa chọn ngành học, nơi học thì việc “điều tiết” của Bộ phải dựa trên cơ sở các quy định của Pháp Luật. Quy chế tuyển sinh không thể quy định các trường phải mở lớp khi có thí sinh đăng ký xét tuyển vượt điểm sàn của trường, không kể số lượng trúng tuyển là bao nhiêu; cũng không thể quy định việc Bộ GD&ĐT “điều tiết” các thí sinh trúng tuyển vào trường không đủ số lượng mở lớp sang trường khác, vì còn phải tính đến nguyện vọng, điều kiện, ý kiến của thí sinh. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã định hướng cho các trường minh bạch thông tin cho thí sinh lựa chọn, khi phát sinh những tình huống không mong muốn thì cần thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi với thí sinh, thống nhất cách lựa chọn mà cả hai bên đều có thể chấp nhận.
Đối với các thí sinh, Bộ có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh đến những trường đang đào tạo ngành đăng ký học mà thí sinh đủ điểm trúng tuyển, nếu thí sinh lựa chọn và có đơn đề nghị gửi Bộ và gửi trường xin được xét tuyển...
. Vậy trong thời gian tới Bộ sẽ có những giải pháp nào để chấm dứt tình trạng các trường ĐH tự nâng điểm chuẩn để tránh trượt thí sinh?
+ Trong toàn hệ thống, các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh như Trường ĐH Đồng Nai, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM không nhiều.
Bên cạnh một số tác động như buộc các trường phải nâng cao chất lượng để thu hút thí sinh, buộc phải đánh giá nhu cầu của thị trường khi mở ngành; buộc phải khảo sát nhu cầu của thị trường và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi những ngành cũ giảm đi, ngành mới phát sinh… thì cũng cần tính đến các giải pháp hợp lý để đảm bảo quyền của thí sinh và quyền tự chủ của các trường. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm tạo ra cơ chế để các trường và thí sinh thực hiện.
Có những giải pháp đã và đang được thực hiện như công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường, về tình hình tuyển sinh và đào tạo những năm trước để người học lựa chọn; và quy định chế tài nếu vi phạm đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn năm năm; nếu năm năm không tuyển sinh thì bị đóng ngành; trao quyền tự chủ cho trường để trường phải tính toán đến nguồn lực đảm bảo hoạt động của nhà trường khi không có sinh viên theo học…
Có những giải pháp cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới… để điều chỉnh Pháp Luật ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh việc hằng năm tổng kết công tác tuyển sinh, hoàn thiện chính sách và các điều kiện hỗ trợ kỹ thuật để tổ chức tuyển sinh ngày càng tốt hơn, Bộ GD&ĐT đang đặt hàng các nhà nghiên cứu của chương trình khoa học giáo dục quốc gia với đề tài nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới để các nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất thêm giải pháp đánh giá thực trạng, khắc phục bất cập phát sinh, làm cơ sở cho việc đổi mới công tác tuyển sinh trong thời gian tới.
Trước đó, trao đổi với PLO, PGS Lê Kính Thắng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Đồng Nai, cho hay trong lần lọc ảo cuối cùng của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường chỉ ở mức sàn. Nhưng với mức điểm đó, chỉ có một số ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều. Trong khi đó, các ngành như sư phạm vật lý, lịch sử, tin học chỉ có 1,2 thí sinh trúng tuyển.
Do số lượng thí sinh quá ít, không thể mở lớp sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh, trong khi trường không có số điện thoại để liên hệ trực tiếp cho các em. Vì thế, hội đồng tuyển sinh trường thống nhất đẩy điểm chuẩn các ngành này lên để các em không trúng tuyển, như thế các em sẽ rớt xuống nguyện vọng khác, còn có cơ hội vào ĐH.