
"Mỹ đang kích động sự căng thẳng quân sự có tính thù địch với Triều Tiên bằng cách triển khai một số lượng lớn vũ khí tấn công mới nhất đến Hàn Quốc bất chấp cam kết của họ đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh là ngừng các cuộc tập trận chung", ông Ju Yong Chol - một nhà ngoại giao của Triều Tiên ở Geneva, cho hay.
Bình Nhưỡng trong tuyên bố được phát đi ngày hôm nay (7/8) đã nói rằng, vụ thử tên lửa của nước này là nhằm gửi đi thông điệp cho Mỹ và Hàn Quốc, yêu cầu hai nước ngừng cuộc tập trận quân sự chung mà họ đã khai hỏa hồi đầu tuần này.
Vụ phóng đi hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngày hôm qua là “dịp để chúng tôi phát đi một thông điệp cảnh báo đầy đủ đối với cuộc tập trận quân sự chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc”, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên - KCNA dẫn lời tuyên bố của Bình Nhưỡng cho hay.
"Hai tên lửa dẫn đường chiến thuật đã được phóng đi ở khu vực phía tây của đất nước và đã bay qua bầu trời khu vực thủ đô và khu vực miền trung trước khi đánh chính xác vào hòn đảo mục tiêu ở Biển Nhật Bản", tuyên bố của Triều Tiên đã viết như vậy. Vụ thử ngày hôm qua là mới nhất trong một loạt vụ bắn thử vũ khí mới của Bình Nhưỡng vào Biển Nhật Bản.
Trong khi Bình Nhưỡng chưa chính thức xác định loại tên lửa mà họ bắn đi, chỉ miêu tả đó là “một bệ phóng rocket cỡ nòng lớn mới được phát triển” thì các nhà phân tích ở Hàn Quốc và Mỹ cho rằng vũ khí vừa được Triều Tiên phóng thử là loại tên lửa KN-23 - một hệ thống tên lửa đạn đạo di động lần đầu tiên được Bình Nhưỡng trình làng trong một cuộc diễu binh năm 2018 và có thể được phóng thử lần đầu tiên hồi tháng Năm mới đây.
Bình Nhưỡng luôn liên tục kịch liệt phản đối các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc bởi Triều Tiên xem đó là hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nhằm vào nước họ. Năm nào, Bình Nhưỡng cũng thể hiện sự tức giận trước các cuộc tập trận chung của Mỹ, Hàn bằng một loạt những lời đe dọa đáng sợ và cảnh báo sắc lạnh, gây ra những cơn “sóng gió” dữ dội trên bán đảo Triều Tiên.
Những cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn là thời điểm đầy thử thách đối với mối quan hệ song phương giữa hai miền liên Triều và quan hệ Mỹ-Triều Tiên.
Trong tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, Bình Nhưỡng thường yêu cầu Mỹ hủy bỏ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và rút quân ra khỏi Hàn Quốc.
Mỹ từng hủy bỏ hai cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và đây rõ ràng là một bước nhượng bộ lớn của chính quyền Tổng thống Trump trước Triều Tiên. Hành động của chính quyền Tổng thống Trump cho thấy Mỹ đang rất muốn theo đuổi các nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Một cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đã diễn ra ở Singapore hồi tháng Sáu năm 2018. Trong cuộc gặp lịch sử này, hai bên đã ký được một văn bản chung mà theo đó Triều Tiên cam kết sẽ tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để đổi lại sự đảm bảo về an ninh từ phía Mỹ. Cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra ở Hà Nội hồi đầu năm nay. Cuộc gặp lần này từng được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm một trong những cuộc khủng hoàng nghiêm trọng nhất trên thế giới liên quan đến vấn đề tên lửa và vũ khí hạt nhân nhưng kết quả không được như mong đợi.
Với những diễn biến trên, tiến trình tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân mang tên Triều Tiên rõ ràng diễn ra không suôn sẻ. Không rõ đây có phải là lý do khiến Mỹ và Hàn Quốc quyết định thực hiện kế hoạch tập trận chung như đã định. Bước đi này của Seoul và Washington có thể làm cho tình hình đảo lộn, khiến Triều Tiên quay trở lại con đường phát triển vũ khí hạt nhân.