Căn nhà ngói ba gian khang trang của ông được xây nên bởi tấm lòng thơm thảo của các đồng đội cũ. Anh xã đội trưởng xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - Dương Bá Quy nhỏ thó, nhanh nhẹn ngày nào nay đã bước sang tuổi 67. Sức khỏe ông yếu dần, mắt đã mờ, tóc bạc trắng, tai thì nghe câu được câu chăng. Dẫu vậy, mỗi lần nhắc đến câu chuyện lo hậu sự cho đồng đội năm xưa, khóe mắt ông lại rưng rưng. Ông nói: “Trên mảnh đất này có nhiều người làm nhiều việc phi thường hơn. Tôi cũng chỉ làm việc mà mọi người thường làm thôi”.
Qua trao đổi điện thoại với cựu chiến binh Nguyễn Trường Tam, nguyên chiến sĩ của Đoàn đặc công 305, tôi hiểu sâu hơn về tình tiết câu chuyện diễn ra trong đêm ấy.
Năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri, tại Trà My - Quảng Nam, Đoàn 305 tổ chức liên hoan gặp gỡ các dũng sĩ quyết thắng, tại đây ông Tam đã gặp và biết một số thành tích trong kháng chiến của ông Quy. Bẵng đi một thời gian dài, mãi đến năm 2000, ông Tam bất ngờ gặp lại ông Quy ở Đắc Lắc. Khi đó, ông Quy cùng gia đình vào sống với cô em gái để trồng cà phê. Nhưng thấy cuộc sống ở vùng đất mới cũng không dễ dàng gì nên 6 năm sau đó, ông Quy lại quay về quê cũ Gio Linh. Cũng trong năm 2006, ông Nguyễn Trường Tam đã ra Quảng Trị và gặp một số nhân chứng kể về đêm ông Quy có việc làm phi thường ấy. Ông Tam cho biết, trong đêm đó, ngoài ông Quy còn có một số dân công tham gia chôn cất các liệt sĩ. Trong đó, có một người ở thôn Đọi và hai cô gái tên là Nguyệt và Hường. Rất may, ông Tam gặp lại được hai người phụ nữ đó ở ngay xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh. Ông Tam nói:
- Không biết vì "linh hồn" của các liệt sĩ "mách bảo" hay vì may mắn, trong lúc tôi đang rất cần gặp bà Nguyệt thì bà Nguyệt đột ngột từ Tây Sơn, Bình Định về thăm quê Gio Mỹ, Gio Linh. Tôi vội vàng đến tìm bà. Qua đôi câu xã giao thăm hỏi lúc đầu, tôi hỏi bà: “Năm 1968, bà là người đã tắm rửa và nấu cháo cho anh Dương Bá Quy ăn có đúng không?”. Bà Nguyệt nói: “Tôi không thể nào quên cái mùa hè ấy. Dịp ấy là tháng 6 năm 1968, quân địch phản kích bất ngờ, các chiến sĩ bộ đội miền Bắc hy sinh nhiều lắm. Bên bờ sông Cánh Vòm (đoạn Cát Lái) có 31 người đã hy sinh. Trong khi đó, địch vẫn liên tục càn quét và tàn sát nhân dân vô cùng dã man. Du kích và bộ đội thì còn mải lo chống càn. Vì ban ngày địch càn dữ dội nên việc chôn cất liệt sĩ phải được tiến hành vào ban đêm. Từ lúc 7 giờ tối đến gần 3 giờ sáng, một mình Dương Bá Quy vác 31 liệt sĩ lội qua đoạn sông cạn, tới một bãi cát bên kia sông để chôn cất các anh. Gần sáng, anh Quy ngất lịm đi bên cạnh ngôi mộ còn đang lấp dở dang. Thấy vậy, tôi đưa anh Quy vào nhà tắm rửa. Đầu tóc của anh bị máu kết lại và dính chặt nên kỳ cọ mãi mới hết. Sau đó, một số người đã nấu cháo mang đến để anh ăn cho hồi sức. Khi được hỏi tại sao chỉ một mình anh Quy làm việc ấy mà những người khác không tham gia? Bà Nguyệt cho biết: “Lúc bấy giờ tôi chỉ mới 18 tuổi. Tôi sợ máu, nhìn thấy xác chết là chân tay bủn rủn, nên không dám tham gia vác các chiến sĩ. Nhưng để hỗ trợ anh Quy, tôi và một số người trong thôn tham gia đào hố chôn cất các liệt sĩ”.
Khi được hỏi: “Sức mạnh nào đã giúp ông có thể vác 31 liệt sĩ dưới làn bom đạn, pháo sáng và máy bay địch?”, ông trả lời rất đơn giản: “Phải cố vác, cố chôn để ngày hôm sau trời sáng, bọn địch sẽ không quay phim, chụp ảnh được, không làm nhục anh em mình được. Nếu chúng quay phim, chụp ảnh xong là chúng quay sang đốt xác ngay!”. Ông nói thế nhưng tôi hiểu, sức mạnh giúp ông làm được công việc phi thường đó bắt nguồn từ trái tim người lính!