Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra từ 13-15/11 tại Singapore, khi tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên từ Singapore, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đề ra nội dung nhiệm vụ trong thời gian giữ chức chủ tịch luân phiên là "thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững". Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao ngày 21/11 cũng nêu rõ sự cần thiết thích ứng với điều kiện mới của ASEAN nếu tổ chức này muốn là một cộng đồng hướng khu vực hiện đại.
ASEAN gồm 10 nước Brunei, Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Philippines, hiện là một trong những tổ chức khu vực lớn với dân số 650 triệu người, GDP gần 3.000 tỉ USD, là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Với vai trò và vị thế ngày càng tăng, các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng thể hiện mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ với ASEAN.
Phát biểu tại diễn đàn ASEAN ở Singapore hồi tháng 11 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cam kết về quan hệ đối tác chiến lược liên tục và không thay đổi giữa Mỹ và ASEAN.
Về phía Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc mong muốn hoàn tất trong năm 2019 các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm ngoài Trung Quốc và ASEAN còn có Australia, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong điều kiện áp lực mạnh từ phía Mỹ, Trung Quốc rất muốn đẩy nhanh ký kết thỏa thuận tự do thương mại như vậy, giúp nước này tiếp cận với các thị trường hàng đầu châu Á.
ASEAN về mặt này được Trung Quốc xem là một đối tác rất triển vọng. Trong thời gian Thái Lan giữ chức Chủ tịch luân phiên, ASEAN dự kiến tăng kim ngạch thương mại với Trung Quốc tới năm 2020 đạt mức 1.000 tỉ USD (năm 2017, kim ngạch giữa hai bên đã đạt 436,8 tỉ USD), tổng vốn đầu tư Trung Quốc vào ASEAN lên 150 tỉ USD (năm 2017, con số này là 11,5 tỉ USD).
Về phía Nga, tại hội nghị cấp cao Nga-ASEAN diễn ra tại Singgapore tháng 11 vừa qua, hai bên đã ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược, trong đó nêu rõ quan điểm không cho phép đảm bảo an ninh của một bên mà gây phương hại cho an ninh của bên kia, cần tôn trọng và tính đến quan ngại hợp pháp và luật pháp của các nước khác. Các điều khoản của tuyên bố này cùng với nội dung các cuộc đàm phán của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Singapore cho thấy các nước ASEAN thừa nhận Nga như một nước đảm bảo an ninh khu vực.
Kim ngạch thương mại giữa Nga và ASEAN năm 2017 tăng 35%, hai bên thực hiện thành công lộ trình chung gồm 60 dự án trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao và phát triển hợp tác nhân đạo. Tổng thống Nga đã bày tỏ tin tưởng vững chắc vào triển vọng phát triển quan hệ với ASEAN trong chính sách đối ngoại của Nga. Giới chuyên gia nhận định Moskva sẽ không chậm trễ để thu được lợi ích chiến lược, kinh tế, kỹ thuật quân sự, nhân đạo và các lợi ích khác từ việc đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cũng như các nước trong khối.