Tin liên quan
Xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng mạnh
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý III/2018 ước tính đạt 64,73 tỷ USD, tăng 10,4% so với quý II/2018 và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong quý III năm nay có 12 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,07 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 127,84 tỷ USD (chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,6%. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 9 tháng có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,2%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2018, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 89,6 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước; chiếm 50,1% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD, tăng 14,6% và chiếm 20,2%.
Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 66,6 tỷ USD, tăng 14,4% và chiếm 37,2% (giảm 0,4%). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 16,3 tỷ USD, tăng 6,5% và chiếm 9,1% (giảm 0,8%). Nhóm hàng thủy sản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,9% và chiếm 3,6% (giảm 0,2%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 34,9 tỷ USD, tăng mạnh 12,5%, cao hơn 2,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là EU; Trung Quốc; Thị trường; Nhật Bản; Hàn Quốc…
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam
Về thị trường nhập khẩu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý III/2018 ước tính đạt 62,70 tỷ USD, tăng 8,2% so với quý II/2018 và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Trong quý III năm nay có 14 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 74,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 9 tháng năm nay có 30 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 3 mặt hàng trên 10 tỷ USD, chiếm 38,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 9 tháng năm 2018, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 159,2 tỷ USD, tăng 12,2% và chiếm 91,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017), trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 72,8 tỷ USD, tăng 4,6% và chiếm 42% (giảm 2,9 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 86,4 tỷ USD, tăng 19,5% và chiếm 49,8% (tăng 3,2 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% và chiếm 8,2% (giảm 0,3 điểm phần trăm).
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 47,1 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc; ASEAN; Nhật Bản; EU; Hoa Kỳ…
Do kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nên cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 8 thặng dư 2,2 tỷ USD ; tháng 9 ước tính xuất siêu 700 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2018 tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD , trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,65 tỷ USD.