Tư tưởng gia đình "phải có thằng con trai để chống gậy" từ lâu đã ăn sâu vào nhiều nền văn hóa phương Đông như tại Trung Quốc. Cũng chính vì thứ tư tưởng lạc hậu ấy mà không biết bao nhiêu phận người phụ nữ đã phải sống cả đời chỉ để... đẻ.
Câu chuyện về cuộc đời của người phụ nữ nghèo tên Nguyên Hoa (45 tuổi), sống trong một ngôi làng hẻo lánh, nơi còn chưa có đường dẫn đến làng của tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) dưới đây chắc hẳn sẽ khiến không ít người rơi nước mắt.
Mang thai phải chạy lên núi, sống trong rừng để trốn cán bộ
Nói về cuộc đời mình, chị Hoa ngậm ngùi: "Cả đời tôi dường như chỉ dành để đẻ. Tôi mang thai12 lần, sinh 6 đứa con. Hơn 10 năm mới có thể có đứa con trai".
Chị Hoa quen người chồng hiện tại năm 16 tuổi qua mai mối. Năm 20 tuổi thì chị kết hôn. Đến năm 1994, đứa con gái đầu lòng của anh chị ra đời. Vậy nhưng theo quan niệm của nhiều người sống tại nông thôn, trong nhà nhất định phải có con trai để sau này thờ phụng tổ tiện. Chính vì vậy, chị Hoa và chồng quyết định thụ thai một lần nữa.
Năm 1990, chính sách kế hoạch hóa gia đình, mỗi người chỉ sinh 1 con được thắt chặt tại Trung Quốc. Mặc dù chị Hoa trốn tránh được việc đặt vòng nhưng khi mang thai 4 tháng, chị buộc phải trốn đi bởi nếu để cán bộ kế hoạch hóa bắt được, chị có thể bị buộc bỏ thai.
Những ngày mang thai con thứ 2, gia đình chị phải bỏ làng đi trốn.
Vậy là hai vợ chồng chị dắt díu nhau lên núi, vào tận sâu trong những khu mỏ để trốn chạy. Hai người dựa vào việc vác than, đốt than thuê cho công nhân nhà máy mà kiếm sống.
"Năm đó tôi vẫn nhớ như in. Chồng đi làm, tôi ở nhà tự sinh con, tự cắt dây rốn. Suốt 2 năm, hai vợ chồng cùng hai con gái sống chui sống lủi trong khu mỏ, thỉnh thoảng mới xuống làng mua chút đồ ăn vặt vì các con thèm quá", chị Hoa kể lại.
Vẫn chưa đẻ được con trai, chị Hoa lại tiếp tục mang thai. Trớ trêu thay, đứa bé thứ 3 chị sinh trong một ngày tuyết rơi năm 2000 cũng lại là bé gái. Cũng vì thế mà chịu không ít gánh nặng, áp lực từ gia đình chồng và dân làng.
"Phụ nữ nông thôn thời ấy là thế. Không sinh được con trai là mang tội trên người. Hai vợ chồng chỉ biết an ủi nhau là "chưa được thì đẻ tiếp", chị Hoa tâm sự.
Tiếp tục đẻ con gái, ngậm ngùi cho con đi rồi lại đuổi ra tận đầu làng giữ lại
Trong 2 năm sau khi sinh con gái thứ 3, chị Hoa mang thai 2 lần nữa. Vậy nhưng cả 2 lần đi siêu âm, chị đều biết mình sẽ sinh con gái. Nghĩ đến cảnh nhà nghèo đói, nuôi con không nổi, chị và chồng quyết định bỏ hai bé này.
Đến năm 2002, chị mang thai lần thứ 6, các bác sĩ khuyên ngăn nếu tiếp tục phá thai, chị sẽ bị tổn hại sức khỏe và thậm chí là vô sinh. Vậy là chị lại đẻ. Và lại đẻ con gái. Cuộc sống của chị Hoa cũng vì thế mà lâm vào bế tắc. "Nhiều lần tôi muốn uống thuốc trừ sâu để tּự sáּt nhưng rồi lại nghĩ mình tּự sáּt thì các con ăn gì, uống gì mà lớn lên. Vậy là lại cắn răng mà sống tiếp", chị Hoa nói.
Người đàn bà vất vả không ít lần nghĩ đến cái chết.
Con gái lớn chị Hoa năm nay đã 24 tuổi và kết hôn. Trong kí ức của cô, từ ngày cô có nhận thức, cha mẹ chưa bao giờ được nghỉ ngơi một ngày. Cô cũng nhớ mãi ngày bố mẹ quyết định cho em gái thứ 4 cho một ông già làng bên bởi nhà nghèo quá không nuôi nổi.
"Ngày ông ấy đến đón em đi, tôi mới 7-8 tuổi, nước mắt giàn giụa đuổi theo đến tận đầu làng để giữ em lại. Bố mẹ cũng chạy theo, cả hai vừa khóc vừa cầu xin ông ấy để giữ em lại, không cho nữa", cô con gái cả của chị Hoa kể lại.
Kể từ khi sinh đứa con thứ 4, sức khỏe của chị Hoa giảm sút nghiêm trọng. Chị thường xuyên thấy chóng mặt, đau đầu, mỗi đêm trở về sau cả ngày lao động mệt nhọc, thắt lưng chị như gãy làm đôi.
Chị Hoa và đứa con gái thứ 4 mà chị suýt cho đi.
Yếu ớt là vậy nhưng chị Hoa lại tiếp tục mang thai lần thứ 7 vào năm 2004. Sau khi nói chuyện với chồng, chị quyết tâm lần này có đẻ được con trai hay không thì cũng không sinh nữa. 9 tháng 10 ngày mang thai, chị không thể làm việc, gánh nặng kinh tế trong gia đình đè lên vai người chồng. Con gái chị cũng trưởng thành và đi làm rất sớm để cho tiền giúp bố mẹ.
Lần sinh thứ 5 của chị Hoa diễn ra suôn sẻ và lại là một bé gái. Lúc đó, có người hiếm muộn thấy hoàn cảnh nhà chị khó khăn quá nên đến xin con. "Tôi nói với họ khi cuộc sống gia đình tôi tốt hơn, nhất định phải để tôi đón con về. Họ đồng ý rồi tôi mới trao con", chị Hoa bộc bạch.
Đẻ được con trai nhưng gia đình cũng kiệt quệ khi chồng mắc ung thư phổi
Dù hai vợ chồng đã quyết tâm thôi không đẻ nữa nhưng sống ở vùng hẻo lánh, kiến thức về các biện pháp tránh thai cả hai đều không có. Chính vì vậy mà sau lần sinh thứ 5, chị Hoa tiếp tục mang thai tới 4 lần nữa và cả 4 lần chị đều phải ngậm ngùi đi bỏ con.
Đến năm 2006, chị Hoa tiếp tục mang thai và được bác sĩ cảnh báo "tử cung đã rất mỏng, nếu còn bỏ thai có thể mất mạng". Vậy là chị lại tiếp tục sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, bụng mang dạ chửa nhưng ban ngày phải bỏ vào chiếc lán tạm trong rừng trốn cán bộ, đêm khuya mới dám về với chồng con.
Đẻ được con trai cũng là ngày gia đình chị kiệt quệ kinh tế.
Nhiều năm trôi qua, đến tận bây giờ chị Hoa vẫn thường giật mình thức dậy giữa đêm khi mơ đến cảnh một mình giữa rừng núi hẻo lánh, trời mưa tầm tã và lạnh thấu xương.
Cuối năm đó, chị sinh được một cậu con trai, hoàn thành ước nguyện của gia đình, dập đi những lời bàn tán của dân làng. Vậy nhưng đó chưa hẳn đã là hạnh phúc. Thêm một đứa trẻ ra đời thì nghĩa là gánh nặng kinh tế càng nặng nề hơn. Hai vợ chồng chị hàng ngày vào khu mỏ khai thác quặng để kiếm sống, 4 cô con gái mới mười mấy tuổi cũng phải nghỉ học để đi kiếm tiền giúp bố mẹ và cho em trai đi học.
Và dường như cuộc sống của người phụ nữ này sẽ mãi chẳng được an yên khi năm 2013, chồng chị bị phát hiện ung thư phổi và cần hóa trị liệu. Chị Hoa lại xoay sở khắp nơi để kiếm tiền vừa nuôi con, vừa chữa bệnh cho chồng. Nghe người ta nói chăn nuôi lợn có lãi nhiều, chị mua về 10 con và mở một trang trại. Đến nay trang trại nhà chị nuôi gần 300 con lợn và trồng hoa màu hơn 20 mẫu đất. Chị Hoa đầu tư vào trang trại gần 700 triệu suốt 4 năm qua nhưng rủi ro nhiều, lãi chẳng thấy đâu. Bây giờ chị muốn tìm người bán lợn, bán đất đi nhưng cũng chẳng ai mua.
Niềm hạnh phúc của chị là những ngày các con gái đưa cháu về thăm nhà.
Đứa con trai vợ chồng chị mong đợi bao lâu nay đã 14 tuổi nhưng vì gia đình bận rộn, không ai quan tâm nên học hành cũng chểnh mảng, tương lai vô định. Chị Hoa cũng nhớ mong và thường xuyên hỏi thăm về đứa con gái mình đã cho đi.
"Tôi nghe nói rằng con sống trong gia đình đó được đối xử rất tốt. Điều ấy cũng khiến tôi yên lòng nhưng chẳng dám đến thăm con vì sợ phiền nhà người ta", chị Hoa nói.
Hơn 10 năm sinh nở, hơn 20 năm quần quật làm việc vì chồng, vì con, đến bây giờ niềm hạnh phúc duy nhất của chị Hoa là những ngày lễ, tết, các con gái vẫn nhớ đưa con, đưa cháu về chơi.
Nụ cười hiếm hoi của hai vợ chồng sau câu nói "Anh yêu em".
Chồng của chị Hoa nhìn người vợ khắc khổ, làn da đen nhẻm, đôi tay chai sần của mình cũng không cầm nổi nước mắt. "Cuộc đời này, tôi nợ cô ấy rất nhiều. Tôi vẫn nói với cô ấy bây giờ con cái cũng đã lớn, cô ấy hãy sống cho chính mình". Người đàn ông nông thôn chẳng bao giờ biết lãng mạn là gì ghé sát tai vợ thì thầm: "Anh yêu em".
Trong ngôi làng hẻo lánh nơi vùng núi chưa có đường lên ấy, chỉ còn lại duy nhất một gia đình với người đang ông mắc "căn bệnh tử thần", đứa con trai họ mong chờ và cố gắng hơn 10 năm và người phụ nữ suy kiệt vì dành cả cuộc đời để... đẻ.