Lợi nhuận của các DN niêm yết trên sàn HoSE sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 10-20%. Triển vọng này dự kiến kéo theo chỉ số P/E forward sẽ tăng nhẹ lên khoảng 11x trong nửa sau năm 2011 (từ mức hiện tại khoảng 10x) với giả định mặt bằng lãi suất thấp hơn và CPI ổn định hơn.
Ảnh hưởng của CPI
Cơ sở cho nhận định của SSI được dựa trên những đánh giá về khả năng thâm hụt thương mại sẽ giảm xuống nhờ xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức độ tương tự như năm 2010 và thâm hụt thương mại sẽ ổn định; về sự trở lại của dòng vốn FDI nhờ nền kinh tế thế giới hồi phục và sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa với sự gia tăng của tầng lớp có mức thu nhập trung bình và dân số trẻ có xu hướng chi tiêu hơn là gửi tiết kiệm. Chỉ số CPI có khả năng quay quanh mức 7 - 9%, nếu biến động của thành phần lương thực, thực phẩm trong CPI sẽ ổn định lại sau khi đã tăng mạnh trong năm 2010.
Chỉ số CPI đã tăng “phi mã” trong quý 4/2010. Chỉ số này biến động khá bất thường trong thời gian gần đây, chủ yếu do yếu tố lương thực - thực phẩm (chiếm 39,93%) rất khó dự đoán chính xác. “Dự tính CPI cho cả năm 2010 sẽ ở mức 11,3%, cao hơn mục tiêu 8% mà Chính phủ đặt ra. Những công cụ quản lý được Chính phủ đưa ra vào cuối năm sẽ cần có thời gian để tác động được lên lạm phát” - SSI nhận định. Nguyên nhân chính tác động đến diễn biến CPI trong quý 4/2010 được cho là bắt nguồn từ chính sách hướng về tăng trưởng, yếu tố mùa vụ (ảnh hưởng vào thời điểm cuối năm, thiên tai và vào năm học mới) và VND mất giá so với USD trong khi USD đang bị mất giá do chính sách nới lỏng của NHTƯ Mỹ.
Báo cáo của SSI cho rằng, trong năm 2011, chỉ số này tiếp tục trở thành rủi ro chính đối với tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó, các nguyên nhân chính vẫn là do giá cả hàng hóa leo thang, thời tiết bất ổn, tăng giá than và điện, và VND tiếp tục mất giá. Thực tế là nếu lạm phát ở mức ổn định thì DN sẽ có lợi, nhưng trong bối cảnh lãi suất tăng cao, chỉ có DN nào có khả năng đàm phán giá tốt mới được lợi.
Lực đỡ cho nền kinh tế VN trong năm 2011 là sự trở lại của dòng vốn FDI. Sự hồi phục kinh tế thế giới sẽ kéo theo nhiều khoản đầu tư gián tiếp từ các nước phát triển. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng.
6 ngành tiềm năng
Tính chất mùa vụ là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển của các ngành trong năm 2011. Trong khi một số ngành như than, ống nhựa xây dựng, thực phẩm và nước giải khát được hỗ trợ mạnh mẽ từ yếu tố này thì một số ngành khác như điện và dược lại chịu ảnh hưởng không ít. Tuy nhiên, bản nghiên cứu của Cty Chứng khoán này cũng khuyến nghị 6 ngành mà nhà đầu tư nên tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu là than, thực phẩm và nước giải khát, ống nhựa xây dựng, vận tải hàng rời, thủy sản và dầu khí. Tuy nhiên, đối với các DN trong lĩnh vực thực phẩm và nước giải khát, nhà đầu tư cũng nên chú ý xem xét nhiều yếu tố do chi phí lãi suất vay cao hơn, giá nguyên liệu đầu vào tăng (sữa bột, bột mỳ, đường...) cũng như biến động của tỷ giá sẽ tác động đến lợi nhuận của ngành này. Trong khi đó, dù không được hưởng lợi nhiều từ việc tăng giá bán nhưng đối với hai DN trong ngành ống nhựa xây dựng là BMP và NTP vẫn rất đáng chú ý nhờ lợi thế về năng lực thị trường, sức mạnh áp đặt giá và ngành nhựa xây dựng cũng được hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng trưởng nhanh của ngành xây dựng.
Riêng đối với các ngành điện, xi măng, dược và BĐS, báo cáo của SSI cho rằng vẫn chưa có những triển vọng nổi bật. Tính chất mùa vụ vẫn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến doanh thu của ngành điện và ngành dược...
Nhìn chung, triển vọng phát triển của DN niêm yết trong năm 2011 vẫn tăng trưởng khả quan sự ổn định của kinh tế vĩ mô và sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới. Điều này sẽ tác động đến diễn biến của các chỉ số chứng khoán VN trong năm tới.